Yếu tố giao thoa văn hóa trong Lễ hội Thành Bản Phủ

Thứ Tư, 29/04/2015, 21:44 [GMT+7]

Điện Biên TV - Lễ hội Thành Bản Phủ là lễ hội lớn ở vùng lòng chảo Điện Biên, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân nhân trong và ngoài tỉnh. Đây là lễ hội tưởng nhớ, tri ân Hoàng Công Chất, Vị thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân vào thế kỷ XVIII, đã có công giúp nhân dân Mường Thanh đánh đuổi giặc Phẻ, giữ yên bờ cõi đất nước. Trải qua hơn 200 năm, do tác động của nhiều yếu tố, lễ hội này đã có sự thay đổi nhất định về các hình thức diễn xướng. Đây là kết quả của sự giao thoa văn hóa vùng miền.

cc
Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức vào ngày 24, 25 tháng 2 âm lịch hàng năm.

 

Tỉnh Điện Biên có 18 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có vùng cư trú, có tập quán sinh hoạt khác nhau, lễ hội dân gian diễn ra hàng năm ở các xã, bản cũng rất phong phú. Một số lễ hội của đồng bào dân tộc được nhiều người biết đến hiện nay như: Lễ Xên bản, Xên mường, lễ Kin Pang Then của đồng bào Thái; lễ Tù Su của đồng bào Mông; lễ cầu mưa của người Lào; lễ tra hạt của người Khơ Mú… Ở vùng lòng chảo Điện Biên, lễ hội Thành Bản Phủ ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cũng thu hút được đông đảo đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh tới tham dự.

Lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức vào ngày 24, 25 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là ngày giỗ của thủ lĩnh Hoàng Công Chất, Vị thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân ở thế kỷ XVIII, người xây dựng Thành Bản Phủ và có công giúp nhân dân Mường Thanh đánh đuổi giặc Phẻ, giữ yên bờ cõi đất nước. Theo một số tài liệu lịch sử để lại, khởi nghĩa Hoàng Công Chất nổ ra trong những năm 1739 – 1769, khi triều đình phong kiến ở nước ta đi vào suy đồi, mục ruỗng, chia bè kết cánh, gây bạo loạn, khiến nhân dân điêu linh, hào kiệt khắp nơi nổi dậy, mong muốn xây dựng một triều đại mới tốt đẹp hơn. Khoảng năm 1750, Hoàng Công Chất và nghĩa quân tiến lên Tây Bắc. Kết hợp với các thủ lĩnh người dân tộc, ông cho xây dựng Thành Bản Phủ, cố thủ tại Mường Thanh. Tại đây, ông đã có công đánh tan giặc ngoại xâm ở biên giới phía Tây tràn tới, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Năm 1769 Hoàng Công Chất qua đời, cuộc khởi nghĩa do ông dấy lên thất bại. Tưởng nhớ đến công lao của ông, nhân dân trong vùng lập miếu thờ và tổ chức cúng tế hàng năm. Cho đến nay, đây là lễ hội duy nhất ở khu vực lòng chảo Mường Thanh có thần linh được cúng tế là một nhân thần. Tồn tại trên 200 năm, lễ hội này đã trở thành hoạt động văn hóa – tín ngưỡng, được người dân vùng lòng chảo Điện Biên chờ đón.

cc
Nghi thức tế lễ trong Lễ hội Thành Bản Phủ ngày nay cũng là nghi lễ phổ biến ở các lễ hội ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đây là nghi lễ mô phỏng theo phong cách cung đình Huế thế kỷ XVIII – XIX.

 

Một số ghi chép về lễ hội này cho biết, trước đây lễ hội được đồng bào Thái tổ chức gắn với lễ Xên bản, Xên mường. Vào ngày lễ, dân bản mổ trâu, bò để tế thần. Hình thức giống như lễ hiến tế của đồng bào các dân tộc trong vùng. Tuy nhiên, gần đây hình thức tổ chức lễ hội này có nhiều thay đổi. Lễ hội ngày nay được tổ chức long trọng, có lễ rước, lễ tế, múa rồng, diễn văn, nghệ quần chúng và các trò chơi dân gian..

Năm 2015 ngay từ đầu tháng 2, không khí chuẩn bị cho lễ hội đã sôi nổi ở khắp các làng bản quanh vùng. Bà Chu Thị Thập, thôn Tân Bình, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: “Đoàn tế chúng tôi được tổ chức hơn 20 năm nay rồi, vì chúng tôi tưởng nhớ tới công lao của ông đánh giặc cứu nước, cứu dân. Do vậy, hàng năm cứ đến ngày này đoàn tế chúng tôi ra để tế ông và nhớ lại công lao của ông.”

Trong thành nội, đội múa rồng xã Noong Hẹt cũng tập miệt mài tập luyện ngay bên khuôn viên Đền thờ Hoàng Công Chất. Anh Bạc Cầm Ún, Đội múa rồng xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên chia sẻ: “Múa rồng này rất là khó, nhất là việc phải múa đúng nhịp và đẹp, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng múa thật tốt. Chúng tôi tập múa rồng được 2 năm nay rồi.”

Rước kiệu, múa rồng và tế nữ quan, là các hình thức diễn xướng rất phổ biến ở các lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày nay, lễ hội Thành Bản Phủ đã có sự du nhập của các hình thức diễn xướng này. Đây là kết quả của sự giao thoa văn hóa khu vực vùng đồng bằng Bắc Bộ, với tín ngưỡng sùng bái thần linh của người địa phương, khi vùng lòng chảo Điện Biên đón nhận những cuộc chuyển cư của người miền xuôi tới đây khai hoang, xây dựng làng bản và cùng đồng bào địa phương bảo vệ biên giới.

Đúng 7 giờ 30 phút sáng ngày 24/2 âm lịch, Lễ hội Thành Bản Phủ được khai mạc. Đoàn rước có đôi rồng dẫn đầu cùng các quan binh mặc lễ phục lộng lẫy và trang nghiêm, long trọng rước linh vị thủ lĩnh Hoàng Công Chất qua các khu dân cư, tiến vào thành nội trong tiếng trống, chiêng rộn rã.

Rước linh vị, hay rước hình tượng thần nhân, vốn là nghi thức diễn xướng dân gian, thể hiện sự nghênh tiếp tôn vinh, cung kính của cộng đồng đối với thần linh. Đây cũng là màn phô diễn sức mạnh, biểu hiện khi thế của cộng đồng. Vì vậy, lễ rước trong lễ hội vừa mang tính trang nghiêm, lại vừa sôi động, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở nhiều lứa tuổi.

cc
Phần hội với nhiều hình thức diễn xướng và trò chơi dân gian quen thuộc của địa phương

 

Nghi thức thứ hai, có vai trò quan trọng không thể thiếu trong ngày chính hội là lễ tế thần. Lễ này được chia làm 5 tuần: Tuần dâng hương, dâng hoa, dâng rượu, dâng trà và dâng chúc văn. Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết: “Di tích Thành Bản Phủ được công nhận cấp Quốc gia vào năm 1982 và từ đó tới nay đều diễn ra lễ hội. Trước đây, quy mô tổ chức của lễ hội còn rất nhỏ và nội dung diễn ra lễ hội không được phong phú đầy đủ như ngày hôm nay. Được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là huyện Điện Biên, trực tiếp chỉ đạo là lãnh đạo Đảng ủy – HĐND - UBND xã Noong Hẹt đều tổ chức lễ hội hàng năm, đem những nét đẹp văn hóa từ miền xuôi lên miền ngược, gồm các nội dung trong phần lễ tế, phần hội có các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc.”

Nghi thức tế lễ trong Lễ hội Thành Bản Phủ ngày nay cũng là nghi lễ phổ biến ở các lễ hội ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đây là nghi lễ mô phỏng theo phong cách cung đình Huế thế kỷ XVIII – XIX, sử dụng ngôn ngữ, cách ăn mặc, điệu bộ khác thường, thể hiện sự tưởng niệm, tôn vinh vị thần được cúng tế.

Sau phần lễ long trọng, trang nghiêm và thành kính, là phần hội với nhiều hình thức diễn xướng và trò chơi dân gian quen thuộc của địa phương. Phần hội kéo dài từ chiều ngày 24/2 đến hết ngày 25/2, làm cho lễ hội trở nên sôi động. Ở đây ta có thể thấy các sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc trong vùng. Đây cũng là dịp để đồng bào giao lưu, gặp gỡ và trao đổi, tâm tình.

Lễ hội là hình thức sinh hoạt cộng đồng, liên quan tới tín ngưỡng dân gian của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày nay, lễ hội được coi là sự kiện văn hóa ở mỗi vùng, miền, khu vực. Trải qua thăng trầm của lịch sử, những biến đổi nhất định về dân cư, về điều kiện kinh tế, xã hội và giao lưu văn hóa của mỗi địa phương, có ảnh hưởng nhất định tới lễ hội dân gian. Ở một địa phương có tới 18 dân tộc anh em cùng sinh sống như Điện Biên, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc diễn ra như một điều tất yếu. Lễ hội Thành Bàn Phủ với sự du nhập của một số hình thức diễn xướng mới trong vài thập niên gần đây, không những không làm thay đổi bản chất của lễ hội mà còn khiến cho lễ hội trở nên trang trọng và có sức thu hút hơn đối với cộng đồng. Đây là lễ hội thể hiện tinh thần tri ân của nhân dân với người có công bảo vệ cuộc sống bình yên cho cư dân vùng biên giới./.

 

Minh Giang – Trọng Lâm
 

.