Sôi nổi hoạt động trình diễn lễ hội truyền thống
Điện Biên TV - Tiếp tục Lễ hội Hoa Ban và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ IV năm 2015, ngày 15/3, tại Quảng trường 7/5 đã diễn ra Lễ hội truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Lễ hội cầu mưa của dân tộc Khơ Mú (Mường Ảng) |
Tại đây, các nghệ nhân của 5 Đoàn Văn hóa, Thể thao và du lịch các huyện: Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên, Tủa Chùa và thành phố Điện Biên Phủ đã đưa đến hội thi năm nay các lễ hội: Cầu mưa của các dân tộc Thái, Khơ Mú và Lào; lễ hội Kim Pang Then của dân tộc Thái Mường Chà; lễ hội trừ tà của dân tộc Mông xanh ở Tủa Chùa.
Một trong những lễ hội đã gây ấn tượng cho khán giả đó là: Lễ hội cầu mưa của người dân tộc Khơ Mú ở Mường Ảng. Lễ hội được chia làm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Lễ cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khơ Mú. Lễ hội tổ chức sau khi gieo hạt để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu mong sự che chở của thần linh, qua đó phản ánh ước muốn của đồng bào về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Phần hội diễn ra trong niềm vui phấn khởi, ước vọng về một vụ mùa mới đầy khởi sắc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Những chàng trai, cô gái nô nức về chơi hội để được dịp thể hiện tài năng qua các lời ca, tiếng hát, điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống đậm đà sắc thái bản địa: Múa tăng bu, trống chiêng, đánh hưn mạy, kéo co, múa xòe, té nước.
Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng (Mường Chà) |
Tiếp đến là lễ hội Kin Pang Then, là nét sinh hoạt tâm linh độc đáo đã có từ lâu đời và được xem là nghi lễ mang tính tôn giáo của người dân tộc Thái trắng huyện Mường Chà về vị thần là các ông Then, bà Then. Đây là nét văn hóa đặc sắc, là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo. Theo truyền thuyết của dân tộc Thái trắng kể lại: Sau Pô Phà (vua trời) là Then, các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên, cỏ cây, con người. Vì vậy, vua trời đã phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Ai đau ốm thì được Then cho thuốc. Người nào gặp rủi ro, vận hạn Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Then cũng là người đại diện để cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản Mường yên vui no ấm. Có thể nói, đây là một lễ hội không chỉ có ý nghĩa về tâm linh cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy lộc để vươn tới một cuộc sống khỏe mạnh, may mắn, no đủ mà nó còn mang tính cộng đồng cao, sau một năm lao động con người được thụ hưởng và giao lưu văn hóa văn nghệ.
Lễ trừ tà của người Mông xanh (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) |
Lễ hội Trừ Tà của người dân tộc Mông xanh ở xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, được xem như là một lễ hội quan trọng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện niềm tin tưởng, thành kính thần thánh của người dân nơi đây; là dịp để con cháu trong nhà cảm ơn cha mẹ tổ tiên, bên cạnh đó còn mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, xua đuổi những cái xấu, mong đợi và đón chờ những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm tới. Lễ hội trừ tà thường diễn ra vào khoảng những ngày 15,16 tháng 9 (âm lịch) và tổ chức luân phiên từng nhà trong thôn bản.
Việc tổ chức trình diễn lễ hội truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên là dịp để giới thiệu và quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đến với du khách trong và ngoài nước./.
Diệp Xuân