Vài nét văn hóa của đồng bào Thái ở Lai Châu
Điện Biên TV - Lai Châu là mảnh đất góp phần tạo nên sự quyến rũ bí ẩn, vẻ đẹp hùng vĩ nguyên sơ miền Tây Bắc của Tổ Quốc. Với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống với nhiều phong tục lạ, độc đáo, Lai Châu mang trong mình những bản sắc riêng của nơi ven trời Tây Bắc. Là dân tộc có tỷ lệ dân số cao nhất của tỉnh Lai Châu, người Thái có một kho tàng văn hoá văn nghệ phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Họ sinh sống ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh và vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn nhiều lễ hội văn hóa đặc trưng, hình thành nên tập quán riêng trong đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất.
“Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu”
… Nơi con thác giữ nụ cười em lại
Tiếng Thái thân thương như cầm được giữa tay mình
Tóc em đó như mùa màng gặt hái
Một cái nhìn ẩn chứa một bình minh… "
Trích “Gửi Lai Châu” của Trần Mạnh Hảo
Theo chân đoàn công tác của tỉnh, chúng tôi được tham dự Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Lai Châu và được khám phá một số nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào Thái nơi đây. Trong không khí tràn ngập bản sắc văn hóa Thái, rất dễ dàng để bắt gặp hình ảnh các cô gái Thái e ấp trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Còn nam giới mặc áo chàm mạ pọm khót với 4 túi trước ngực. Người Thái ở Lai Châu chủ yếu là ngành Thái trắng nên phụ nữ không búi tóc lên đỉnh đầu như người Thái đen, mà chỉ búi tóc sau gáy và đội nón. Bộ nữ phục của họ bao gồm áo ngắn, áo dài, váy, thắt lưng và các loại trang sức như hoa tai, vòng cổ, vòng tay… Áo ngắn hay xửa cỏm được may bó sát người bằng nhiều loại vải với màu sắc khác nhau, cổ áo hình chữ V nổi bật với 2 hàng khuy bướm trước ngực. Áo dài là xửa chái và xửa luổng. Xửa chái may bằng vải chàm đen, kiểu áo 5 thân, cài cúc phía bên tay trái, cổ đứng, gấu áo phủ quá đầu gối. Ngày nay, xửa cỏm được kết hợp với những chiếc váy may bằng vải nhung đen in hoa theo kiểu cách tân. Mặc dù váy được may liền cạp nhưng người phụ nữ Thái trắng vẫn thắt thêm chiếc xài ẻo làm duyên.
Trang phục truyền thống của người Thái trắng Lai Châu |
Hoạt động sản xuất chính của người Thái là canh tác lúa nước và gạo là nguồn lương thực chính, đặc biệt là lúa nếp. Do đó, trong gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái mỗi vùng miền thì khảu xén là một trong những sản phẩm không thể thiếu.
Bên cạnh đó, những sản phẩm đặc sắc khác cũng được trưng bày giới thiệu như gạo San Thàng, bánh khảo, bánh bông vừng, chè Tam Đường, chè hương nhài, rượu Mông Kê… Những sản phẩm này được du khách tham quan rất ưa chuộng và mua để làm quà tặng người thân, bạn bè.
Trong mỗi không gian trưng bày ở mỗi địa phương, câu chuyện về gia đình dân tộc Thái được tái hiện rõ nét với các vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người Thái như bếp củi, nồi đồ xôi, cờ lếp, cờ bèm hay các nhạc cụ như đàn tính tẩu, xì xo lo. Qua đây người xem có thể hình dung rõ hơn về cuộc sống, con người và những nét đặc trưng của dân tộc Thái nơi vùng quê họ đang sinh sống trong không gian mang những nét xưa cũ.
Các trò chơi dân gian là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái Lai Châu như ném còn, tó mạ lẹ. Đặc biệt trò chơi đá cầu tuy không khó nhưng đòi hỏi người chơi phải rất khéo léo và có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Đồng bào Thái rất thích ca hát đặc biệt là khắp. Đây là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn tính tẩu, tạo âm hưởng du dương, mượt mà làm đắm say lòng người nghe. Trong các điệu múa thì xòe là điệu múa phổ biến và được yêu thích nhất, không phân biệt già trẻ, gái trai, bất kỳ ai cũng được tham gia vào vòng xòe. Trong những dịp lễ tết, hội hè mọi người thường cầm tay nhau tạo thành một hay nhiều vòng tròn cùng múa đưa tay lên rồi bỏ tay xuống kết hợp nhịp nhàng với nhún chân, ai ai cũng vui say trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp của tiếng trống, tiếng cồng chiêng. Cuộc xoè không biết bắt đầu từ bao giờ và khi nào kết thúc, chỉ biết rằng mọi người hoà đồng, gần gũi và thân thiện với nhau hơn bao giờ hết.
Đồng bào Thái rất thích ca hát đặc biệt là khắp. Đây là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn tính tẩu, tạo âm hưởng du dương, mượt mà làm đắm say lòng người nghe |
Đối với Lai Châu, là tỉnh Tây Bắc có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng, do đó Lai Châu có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ nhất tại Lai Châu là được xem là cơ hội rất lớn để tỉnh Lai Châu quảng bá, giới thiệu những thắng cảnh và những sắc màu văn hóa dân tộc độc đáo đến khách du lịch xa gần. Ông Sùng A Hồ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ nhất được tổ chức tại Lai Châu, phải nói rằng đây là một sự tri ân, tôn vinh con người và văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đây cũng là thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và đối với dân tộc Thái nói riêng.
Những năm gần đây, mặc dù có sự kết tinh và du nhập nhiều loại văn hóa của nếp sống hiện đại nhưng cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung và dân tộc Thái nói riêng luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc mình. Ngày hội văn hóa dân tộc Thái không chỉ mang đến những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo mà từ những hoạt động này các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người Thái sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát huy, tôn vinh, góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó keo sơn, đoàn kết dân tộc và những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc Thái sẽ mãi là niềm tự hào của con người Tây Bắc./.
Lường Hương – Duy Hưng