Gìn giữ nét truyền thống trước thách thức đổi thay
Điện Biên TV - Được quan tâm đầu tư bảo tồn các giá trị truyền thống, các bản dân tộc Lào ở xã Pa Thơm, huyện Điện Biên đã được quy hoạch thành điểm du lịch văn hóa. Cùng với sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội, gần đây đời sống, phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở của người dân cũng đang có nhiều đổi thay. Trước xu thế vận động phát triển như vậy, việc bảo tồn cái gì và thay đổi như thế nào, cũng là vấn đề đang được đặt ra đối với cộng đồng dân tộc Lào ở Pa Thơm.
Xã Pa Thơm có khoảng trên 70 hộ là người dân tộc Lào, cư trú tại 2 bản Pa Xa Lào và bản Pa Thơm |
Ở tỉnh ta, đồng bào dân tộc Lào thường sống quần cư ven sông Mã và sông Nậm Núa. Người Lào vốn có nghề trồng lúa nước khá phát triển. Vì vậy, ở những nơi có địa hình đồi núi dốc, họ vẫn sản xuất trên ruộng bậc thang. Bên cạnh nghề trồng lúa nước, họ còn có nghề chài lưới và dệt thổ cẩm. Tự sản xuất lương thực, thực phẩm, vải vóc, người Lào từng sống đời sống tự cấp, tự túc. Họ sống khá hòa hợp với các dân tộc khác trong vùng cư trú nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Tuy nhiên, trong vài thập niên gần đây, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, đã tác động không nhỏ đến tập quán sản xuất, kiến trúc nhà ở và nghề truyền thống của người Lào.
Xã Pa Thơm có khoảng trên 70 hộ là người dân tộc Lào, cư trú tại hai bản Pa Xa Lào và bản Pa Thơm. Trước đây, đồng bào Lào ở Pa Thơm thường dựng nhà ở sát bờ sông, suối. Nghề chài lưới của họ khá phát triển. Tuy nhiên, mỗi mùa mưa những bản làng ở sát mép nước thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Bởi vậy, họ đã được Nhà nước hỗ trợ di vén lên cao và hỗ trợ người dân khai hoang ruộng nước. Từ đó đến nay, đời sống của người Lào ở Pa Thơm ngày càng no ấm hơn.
Ông Lò Văn Mới, bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm hoàn thiện chiếc chài mới này không phải để tìm kiếm thực phẩm cho gia đình, mà để thỏa mãn thói quen nghề nghiệp đã gắn bó với ông rất nhiều năm |
Tuy nhiên khi nghề trồng lúa nước phát triển, trở thành nghề chính đem lại sự no đủ cho các bản, thì nghề chài lưới đã trở thành nghề phụ. Ngày nay sự ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đa dạng sinh thái vùng ven sông, càng khiến cho nghề này mai một dần. Những người đàn ông ở bản Lào vốn tự hào về tài chài cá, sông nước, giờ chỉ còn giữ nghề như niềm vui lúc nông nhàn. Chúng tôi gặp ông Lò Văn Mới, bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm đang hoàn thiện một chiếc chài mới. Theo ông Mới, mục đích của ông không phải để tìm kiếm thực phẩm cho gia đình, mà để thỏa mãn thói quen nghề nghiệp đã gắn bó với ông rất nhiều năm.
Khoảng 5 năm trở về trước, đường giao thông từ huyện Điện Biên tới xã Pa Thơm còn khó khăn, người dân Pa Thơm chủ yếu sống tự cung, tự cấp. Họ tự trồng trọt, chăn nuôi phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ nuôi tằm, dệt vải. Đàn ông vào rừng săn thú, hạ gỗ dựng nhà. Cuộc sống của họ phụ thuộc khá nhiều vào tự nhiên. Nhưng rồi mọi thứ cũng dần phải thay đổi khi thiên nhiên ngày một kiệt quệ.
Chính trong lúc này, Pa Thơm lại được Nhà nước đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; có điện, có đường, có sự thông thương, giao lưu với bên ngoài, người dân Pa Thơm đã học được cách thức sản xuất mới; nông nghiệp dần được cơ giới hóa với năng suất, sản lượng cao hơn. Một số nghề nghiệp mới như sửa chữa, buôn bán nhỏ được phát triển. Nhu cầu ăn, ở mặc của người dân cũng dần thay đổi, khi họ dễ dàng tìm tới các dịch vụ tiện ích. Sự phát triển đem lại cho họ nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đặt cộng đồng dân tộc Lào trước những thách thức về gìn giữ, bảo tồn những di sản văn hóa truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Lào vốn có nghề nuôi tằm, dệt vải được truyền nối qua nhiều đời. Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào được coi là một nét văn hóa độc đáo, bởi tinh hoa văn hóa dân gian ẩn chứa trong mỗi nét hoa văn thổ cẩm, mà nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào từng được Nhà nước đầu tư bảo tồn. Với nghề truyền thống đặc sắc, bản Pa Xa Lào đã được ghi vào danh sách là một trong những điểm du lịch văn hóa của huyện Điện Biên. Tuy nhiên, do địa phương chưa xây dựng được các dịch vụ du lịch cần thiết, nên cái tên Pa Xa Lào đã dần bị lãng quên, nghề nuôi tằm, dệt vải cũng mai một dần.
Chị Lò Thị Ly ở bản Pa Xa Lào tự dệt thổ cẩm chỉ để may váy áo cho người trong gia đình |
Nghề dệt truyền thống dân tộc Lào phát triển khi con người còn đang sống trong thời kỳ sản xuất tự cấp, tự túc. Còn ngày nay, khi thổ cẩm Lào không thể trở thành hàng hóa phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, mà nhu cầu cuộc sống hàng ngày lại có thể được đáp ứng một cách nhanh chóng, tiện lợi, liệu nghề truyền thống có còn được gìn giữ ? Chị Lò Thị Ly từng tham gia dự án khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở bản Pa Xa Lào. Sau khi dự án kết thúc, thổ cẩm chị tự dệt chỉ để may váy áo cho người trong gia đình nên xa quay, khung cửi của chị vẫn thường phải xếp lại. Những cuộn tơ tằm hiếm hoi cũng được chị cất kỹ chờ khi cần thiết. Chị Ly hy vọng chị em trong bản vẫn sẽ yêu nghề dệt, dù dự án khôi phục nghề truyền thống đã kết thúc khi thổ cẩm Pa Xa Lào chưa được thị trường biết đến.
Cái truyền thống không chỉ chịu tác động bởi lối sống hiện đại, bởi các dịch vụ tiện ích mà còn bị tác động bởi sự biến đổi của điều kiện tự nhiên. Ta có thể thấy rõ điều này qua sự thay đổi kiến trúc nhà ở tại bản Pa Xa Lào. Trước đây, nhà ở của người Lào thường là nhà sàn gỗ, có ba gian, tám cột, cả bản đều dựng nhà theo một hướng. Tuy nhiên, một phần do rừng đã bị khai thác kiệt quệ, chi phí làm nhà gỗ trở nên đắt đỏ, một phần do quy hoạch xây dựng làng bản không bảo đảm được yếu tố tín ngưỡng truyền thống và một phần do thị hiếu của người dân có thay đổi, nhà sàn của người Lào đã có sự biến đổi.
Bản Pa Xa Lào hiện nay được quy hoạch gồm 4 dãy nhà có không gian hẹp, mặt hướng vào nhau qua một trục chính. Tầng trệt trước đây được sử dụng làm nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm, nay phần lớn được xây bằng bê tông cốt thép để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: chia thành các phòng ở và nơi bếp núc, dùng cất chứa lương thực. Nhiều gia đình chỉ dùng tầng trên làm nơi thờ cúng. Xét tổng thể nhiều yếu tố, cái truyền thống, cổ xưa ở bản người Lào xã Pa Thơm đã có nhiều biến đổi. Ông Lò Văn Nhúng, Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết: Xã Pa Thơm có 2 bản người dân tộc Lào là Pa Xa Lào và bản Pa Thơm. Hầu hết người dân ở bản này đều không làm nương mà chỉ trồng lúa nước, nên đời sống có khấm khá hơn. 2 bản này, phong tục tập quán, bản sắc dân tộc vẫn giữ được nhưng màu sắc của dân tộc lưu truyền chưa được mấy, điển hình như lớp trẻ ngày nay không biết dệt thổ cẩm, quần áo thì ra chợ mua.
Trước sự vận động không ngừng của nhịp sống xã hội, cái truyền thống luôn bị tác động. Vì vậy, việc bảo vệ bản sắc dân tộc trở thành yêu cầu quan trọng trong quá trình phát triển. Phát triển như thế nào để cốt cách văn hóa dân tộc luôn được gìn giữ, là yêu cầu quan trọng không chỉ đối với cộng đồng người Lào ở Pa Thơm mà đó còn là vấn đề đang đặt ra đối với cộng đồng các dân tộc trên đất nước ta – một đất nước có sự đa dạng về sắc màu văn hóa, chủ động bước vào kỷ nguyên giao lưu và hội nhập./.
Minh Giang – Trọng Lâm