Điện Biên: Mùa xuân với nhiều chính sách đầu tư có hiệu quả dành cho dân tộc thiểu số

Thứ Tư, 07/01/2015, 15:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mùa Xuân đến, cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Người dân vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Điện Biên cũng hòa chung cùng thiên nhiên, phấn khởi đón Xuân với những thành quả trong xây dựng cuộc sống mà Đảng và Nhà nước mang lại qua các chính sách đầu tư. Từ đó, đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, Quốc phòng – an ninh ở những nơi này có những bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ nét; nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tình đoàn kết các dân tộc ngày thêm bền chặt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được ổn định, giữ vững.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 130 xã, phường và thị trấn; trong đó có: 110 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, có 29 xã biên giới, 1.751 thôn, bản, tổ dân phố; Dân số hơn 53 vạn người, trong đó dân số sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới chiếm khoảng 85%. Toàn tỉnh có 19 dân tộc anh em, gồm: Dân tộc Thái chiếm đa số khoảng 38%, dân tộc Mông 35%, dân tộc Kinh 18%, dân tộc Khơ Mú 3,9%, còn lại là các dân tộc khác. Điện Biên là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, hệ thống hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tỷ lệ đói nghèo khá cao; trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, một bộ phận nhân dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước; tình trạng di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái phép, buôn bán, sử dụng các chất ma túy vẫn còn xảy ra và theo chiều hướng phức tạp; tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp.

Đồng chí Mùa A Sơn Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ( người thứ 3 từ trái sang ) gặp gỡ Đại biểu DTTS huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên
Đồng chí Mùa A Sơn Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ( người thứ 3 từ trái sang ) gặp gỡ Đại biểu DTTS huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên

Khó khăn là vậy, song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện có hiệu quả. Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất, sinh hoạt đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc Điện Biên nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng. Phải kể đến một số chương trình, dự án trọng điểm như: Dự án Tái định cư thuỷ điện Sơn La, sắp xếp ổn định dân cư: Dự án đã cơ bản hoàn thành sắp xếp, ổn định cho 4.459 hộ là tái định cư. Từ năm 2010 đến năm 2013 cơ bản thực hiện xong các chính sách hỗ trợ tái định cư, bồi thường thiệt hại; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu tái định cư tập trung. Đến nay, đã thực hiện giao đất sản xuất cho 768/1.276 hộ theo quy hoạch và các phương án được duyệt (đạt 60%); tổng diện tích đã giao là 3.504.848m2  đạt 56% mục tiêu về diện tích so với phương án được duyệt, góp phần giúp các hộ tái định cư nông nghiệp từng bước ổn định cuộc sống và sản xuất.

Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015 (Đề án 79): Đến nay đã bố trí sắp xếp tại chỗ, hỗ trợ phát triển sản xuất ổn định đời sống cho 10.876 hộ, thuộc 153 bản; riêng năm 2014 đã di chuyển, bố trí sắp xếp được 71 hộ dân đến nơi ở mới ổn định cho 480 hộ để thành lập 13 bản mới, bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ cho 6 bản; đang tiến hành triển khai, thực hiện bố trí, sắp xếp tiếp cho những bản còn lại. Qua đó, đã tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS có nơi ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất lâu dài và được thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu của xã hội.

Chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo: Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18-11-2011 của Tỉnh ủy. Đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có tổng số xã đã phê duyệt quy hoạch 96/116 xã đạt 82,76%; có 08/116 xã phê duyệt xong đề án xây dựng nông thôn mới, đạt 6,9%. Huyện Điện Biên là đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Các chương trình, dự án giảm nghèo được lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn, trong đó tập trung vào thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 4.480 hộ đồng bào DTTS, tổng số vốn là 22.386 tỷ đồng, theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg từ nguồn vốn này bước đầu đã giúp người dân giải quyết việc thiếu vốn để phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 50,01% (năm 2009) xuống còn 31,49% năm 2014, bình quân giảm 3,8%/năm. Tỉnh có 110 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo quyết định 102/QĐ-TTg, với tổng kinh phí hỗ trợ là 88.578 triệu đồng để mua giống cây trồng (ngô, lúa lai, đậu tương) phục vụ sản xuất, bước đầu đã sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cung cấp ra thị trường. Những mặt hàng thiết yếu như muối iốt, bột canh iốt cấp cho đồng bào DTTS để phòng chống bệnh bướu cổ đã được cấp phát đầy đủ đến 100% hộ dân, giúp đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS.

Các hoạt động vui Xuân thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên
Các hoạt động vui Xuân thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên

Lĩnh vực Văn  hoá - Xã hội: Các mặt văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chăm lo và có những chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, hầu hết các mục tiêu xã hội chủ yếu đều thực hiện đạt kế hoạch giao. Giai đoạn 2009 đến 6/2014 đã đào tạo nghề cho 30.000 lượt thanh niên là con em đồng bào DTTS. Công tác tổ chức cai nghiện ma túy đã có nhiều chuyển biến biến tích cực, đặc biệt là công tác điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng Methadone. Công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được chú trọng.

Các mục tiêu chương trình y tế quốc gia, các hoạt động phòng chống dịch bệnh ở người, không để xảy ra dịch lớn, đảm bảo các điều kiện và sẵn sàng lực lượng ứng phó với dịch khi có tình huống khẩn cấp. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào DTTS ngày càng được quan tâm. Đến nay 100% xã, thị trấn có y sĩ và nhân viên y tế; các cụm y tế đã có bác sĩ; tỷ lệ bác sĩ đạt 8,71/vạn dân; tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế đạt 94,6%. Công tác tuyên truyền về dân số - KHHGĐ được chú trọng, tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao. Cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo là DTTS với tỷ lệ đạt 97,5%, tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT đạt 99,5%. Các chính sách trên đã góp phần bảo vệ sức khỏe đồng bào và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT đặc biệt là đồng bào DTTS.

Đàn Trâu của Xã Lao Xả Phình huyện Tủa Chùa  được Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Điện Biên hỗ trợ giúp xã khó khăn theo QĐ 182
Đàn Trâu của Xã Lao Xả Phình huyện Tủa Chùa được Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Điện Biên hỗ trợ giúp xã khó khăn theo QĐ 182

Tập trung hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định 1592/2009/QĐ-TTg tại 37 xã thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho trên 3.158 hộ đồng bào DTTS được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hạn chế phát sinh các dịch bệnh thông thường trong nhân dân.

Tiếp tục thực hiện chính sách đất ở, nhà ở theo QĐ số198/2007/QĐ-TTg và QĐ số 167/2008/ QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 134/2004/QĐ -TTg ngày 20/7/2004 từ năm 2009 đến nay, từ ngân sách nhà nước, nguồn quỹ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các nhà hảo tâm và nguồn vốn vay ưu đãi đã đầu tư và hỗ trợ xây dựng 13.329 căn nhà kiên cố, khang trang, bảo đảm chất lượng cho đồng bào DTTS nghèo.

Lĩnh vực Giáo dục, đào tạo: Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh có bước phát triển vững chắc, đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 04 trường cao đẳng; 498 trường mầm non, phổ thông (tăng 43 trường so với năm 2009), trong đó 08 trường PTDTNT, 83 trường PTDT bán trú; 100% các đơn vị duy trì vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, phổ cập giáo dục THCS; 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 129/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 01, trong đó 3/10 huyện, thị xã, thành phố, 79/130 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 02; 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 130/130 xã, phường, thị trấn  đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu. Tính đến tháng 11/2014, toàn ngành có 16.277 cán bộ, giáo viên, nhân viên (Tăng 3.904 cán bộ, giáo viên, nhân viên so với năm 2009). Từ năm 2009 đến 2013, đã có 757 học sinh, sinh viên là người DTTS được cử đi học tại các trường chuyên nghiệp, đại học trong và ngoài tỉnh

Lĩnh vực Văn hoá, thể dục thể thao: Sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Giá trị văn hoá các dân tộc được bảo tồn, khôi phục và phát huy. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá và bản làng văn hoá được chú trọng và phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 247 nhà văn hóa; 63.781 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 57,4%; có 757/1.751 thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 43,2%; có 1.047/1.250 cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 83,7%; tất cả các thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đã xây dựng được hương ước, quy ước, nhiều hủ tục lạc hậu không hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc đã được loại bỏ.

Hàng năm, đã thực hiện cấp không thu tiền 19 loại báo, tạp chí, thông tin chuyên đề cho các xã theo QĐ1977/QĐ-TTg. Từ đó, đã góp phần triển khai chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở đến với đồng bào DTTS, giúp người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, biết vận dụng KHKT vào cuộc sống sinh hoạt và sản xuất.

Có thể khẳng định rằng, từ những Chính sách đầu tư có hiệu quả của Đảng và Nhà nước đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân các dân tộc trong tỉnh vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là đối với đồng bào DTTS chào đón năm mới 2015 với sự đoàn kết, hân hoan, sự tin tưởng, phấn khởi và hạnh phúc./.

 

 

 

CTV: Khánh Toàn

                                                                                                                    

.