Điện Biên: Nghị quyết 23-NQ/TW khơi nguồn sức sống văn hóa cơ sở
Điện Biên TV - Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của người dân được cải thiện rõ rệt và đầy sức sống. Văn hóa cơ sở trong tỉnh đã phản ánh chân thực tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói - giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới; đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Thể hiện vai trò Văn hóa là động lực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điện Biên có 19 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm tỉ lệ đông nhất (37,99%), dân tộc Mông (34,8%), dân tộc Kinh (18,43%), còn lại là các dân tộc khác như: Khơ Mú, Tày, Nùng, Dao... Mỗi dân tộc có tiếng nói, phong tục tập quán và sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Các phong tục tập quán: Lễ hội truyền thống của dân tộc Mông, Hà Nhì, Thái, Khơ Mú, Dao, Si La...; các ngành nghề, món ăn ẩm thực; các nghi thức, nghi lễ truyền thống; các hương ước của bản làng, dòng họ gắn liền với tâm linh, tín ngưỡng, các làn điệu dân ca, múa xòe đặc sắc trong đời sống hằng ngày ở cơ sở, đã mang đặc trưng riêng của mỗi vùng miền và của mỗi dân tộc Điện Biên. Những sinh hoạt cộng đồng này đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong phát triển các giá trị văn hóa, đồng thời nó cũng giúp xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp trong ma chay, cưới xin, tổ chức lễ hội... gây lãng phí, tốn kém tiền của, công sức, thời gian, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Có thể nói, Nghị quyết 23-NQ/TW đã khơi nguồn sức sống cho văn hóa cơ sở, nhất là khẳng định giá trị về mặt tinh thần đối với một tỉnh miền núi, biên giới, khó khăn, nhưng giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc như Điện Biên.
Tiếng trống Hội xòe của dân tộc Thái |
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW và Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy về “Tiếp tục xây dựng phát triển Văn học Nghệ thuật trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp Ban cán sự UBND tỉnh, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, Hội VHNT, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức quán triệt Nghị quyết và triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy, định hướng nội dung tuyên truyền đến các hội viên, các văn nghệ sĩ, trí thức trong tỉnh, các tác giả trực tiếp tham gia sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT đã có nhận thức sâu sắc hơn về đường lối lãnh đạo của Đảng và của tỉnh đối với VHNT, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của VHNT trong thời kỳ mới. Hiện nay, số hội viên Hội VHNT của tỉnh là 171, trong đó có 57 hội viên tham gia các lĩnh vực VHNT của Trung ương; số hội, chi hội trực thuộc Hội VHNT tỉnh là 10 được thành lập ở các huyện, thị, thành phố với các loại hình VHNT khác nhau.
Tinh thần, nội dung của Nghị quyết đã được triển khai quán triệt đến các đồng chí là cán bộ chủ chốt ở 14 cấp ủy, chính quyền các huyện, thị, thành phố và đảng ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh với 626 Tổ chức cơ sở đảng, 29.555 đảng viên, 1.441 các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đối với các dân tộc trong tỉnh về vị trí, vai trò của VHNT trong tình hình mới; đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ và giới văn nghệ sĩ đã đón nhận tinh thần Nghị quyết với sự đồng tình và phấn khởi. Xác định đây là nội dung hoạt động xuyên suốt, là cơ hội, là động lực để thúc đẩy VHNT của tỉnh phát triển; Nghị quyết không những định hướng trong việc quản lý, tổ chức, sáng tạo, sáng tác và phát triển nghề nghiệp VHNT mà còn kích thích sự cống hiến của giới văn nghệ sĩ, nhằm tạo ra nhiều hoạt động văn hóa, hướng văn hóa về cơ sở.
Dưới sự chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp nội dung phát triển văn hóa đã được xây dựng gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đơn vị và coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là một trong những tiêu chí để đánh giá, công nhận khu dân cư văn hoá ở cơ sở. Chính vì lẽ đó mà các hoạt động VHNT quần chúng được tổ chức sôi nổi, nhiều liên hoan, hội diễn, chương trình văn nghệ đã thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giữ gìn, phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống. Toàn tỉnh có 1.110 đội văn nghệ, CLB văn nghệ thu hút khoảng trên 20.000 diễn viên, hội viên không chuyên tham gia sinh hoạt; 14 câu lạc bộ, mô hình thanh niên tham gia và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với hơn 168 ĐVTN tham gia, các hoạt động Văn hóa văn nghệ đã đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của mọi người trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị; một số đội văn nghệ của huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ còn biểu diễn phục vụ khách tham quan du lịch. Ông Nguyễn Vân Chương, Ủy viên Ban Thường vụ–Trưởng Ban Tuyên giáoTỉnh ủy trao đổi: Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa thông tin ở cơ sở đã huy động được sự đóng góp của nhân dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết chế văn hóa, tạo nên sự thay đổi nhanh chóng về đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư. Đời sống văn hóa được nâng lên tác động đến nhiều lĩnh vực của xã hội, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, việc lãnh đạo, triển khai thực hiện chủ trương xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thân cho các tầng lớp nhân dân.
Đội văn nghệ xã Thanh Nưa huyện Điện Biên |
Hoạt động của các Câu lạc bộ, đội văn nghệ còn là nơi nuôi dưỡng các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở và là nguồn lực chính để tham gia các cuộc hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng của tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị giàu bản sắc dân tộc; tạo môi trường sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Đây cũng là nội dung quan trọng trong chỉ tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại các thôn, bản, khu dân cư. Năm 2014 toàn tỉnh có 65,829/112,753 gia đình được công nhận văn hóa chiếm 58,4%; 857/1.776 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận văn hóa chiếm 48,2%; 1.179/1.382 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa chiếm 85,3%; 2/14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị chiếm 14,2%; 17 xã đăng ký đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 1/116 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới chiếm 0,86% vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Có được kết quả này là có sự chỉ đạo đúng hướng, tích cực của Nghị quyết 23-NQ/TW và Nghị quyết 14 của Tỉnh ủy Điện Biên.
Công tác xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm, hiện nay số nhà văn hóa cấp xã 28/130, cấp thôn, bản 211/1.776. Từ những thiết chế văn hóa này đã tổ chức được trên 1000 buổi sinh hoạt, phục vụ 150.000 lượt người tham gia. Toàn tỉnh hiện có 1.110 đội văn nghệ quần chúng cơ sở, tổ chức trên 3000 buổi biểu diễn, phục vụ 300.000 lượt người xem; nhiều đội văn nghệ của các Bản văn hóa du lịch khu vực thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên đã hoạt động thường xuyên, rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu ẩm thực, văn nghệ quần chúng của đồng bào dân tộc cho khách tham quan, du lịch. Hằng năm, ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức từ 3-5 đợt chiếu phim chuyên đề, 20-25 buổi tuyên truyền lưu động, 15-20 buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân các dân tộc ở cơ sở, tại Trung tâm các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thư viện ở cơ sở bước đầu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc, tìm kiếm thông tin cho mọi đối tượng đến nghiên cứu, học tập, giải trí. Ông Phạm Văn Hưng, Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện nay, hầu hết các bản, tổ dân phố đều có đội văn nghệ, có nhà văn hóa và trang bị hệ thống loa đài phục vụ cho những buổi sinh hoạt cộng đồng thôn, bản. Tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan VHNT, thể thao giữa các xã, các huyện. Qua các cuộc thi, qua việc trình diễn các bài hát dân ca, điệu múa cổ truyền thống các lễ hội dân gian, các trò chơi thể thao dân tộc như: Ném pao, ném còn, đẩy gậy, đánh cù, giã bánh dày, chơi đu, thi leo cây... ở các địa phương đã thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và học hỏi lẫn nhau.
Giao lưu văn hóa dân tộc Mông tại huyện Điện Biên |
Kết luận tại buổi làm việc ngày 25/112014 với Tỉnh Điện Biên, đồng chí PGS,TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương nhấn mạnh: Sau 6 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW VHNT tỉnh Điện Biên đã có những chuyển biến tích cực về nhân thức đối với vai trò, vị trí của VHNT từ các đồng chí lãnh đạo, quản lý các tổ chức ban, ngành, đoàn thể, hội VHNT đến đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn toàn tỉnh. Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển, duy trì hoạt động thường xuyên các câu lạc bộ văn hóa, tạo nên đời sống văn hóa tinh thần từ Tỉnh đến cơ sở. Đây là kết quả của việc đưa văn hóa đến tận thôn, bản và đưa các thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động có nền nếp, đã thiết thực góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở.
Đồng chí PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh-Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học-Nghệ thuật Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Điện Biên ngày 25-11-2014 |
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Đảng bộ tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước và Phong trào: " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo ở cơ sở; tổ chức thực hiện tốt các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; tạo nên sự phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu của văn hóa ở cơ sở; thực hiện tốt Kế hoạch 900/KH-UBND tỉnh Điện Biên về “Thực hiện Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2020”, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở, khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư./.
CTV: Khánh Toàn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên