Khai thác gắn với bảo tồn
Điện Biên TV - Chiếm hơn 34% trong tổng số 19 dân tộc anh em trên địa bàn, dân tộc Mông có những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo và đặc sắc. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm tới công tác gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong đời sống hiện nay.
Độc đáo, đặc sắc văn hóa dân tộc Mông
Được ví như một “tiểu Hà Giang”, mảnh đất Tủa Chùa mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mông khi chiếm tới 70% dân số của huyện là người Mông. Khác với cuộc sống du canh du cư trước đây, ngày nay, người Mông đã thực hiện định canh định cư làm ruộng bậc thang, canh tác lúa nước. Hàng năm, tại các xã, thôn, bản duy trì các hoạt động lễ hội, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Bởi vậy, đời sống vật chất, tinh thần có nhiều chuyển biến tích cực. Sau ít phút giới thiệu, ông Giàng A Dù, Chủ tịch UBND xã Sính Phình đưa chúng tôi đi một vòng quanh xã. Giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, ông Giàng A Dù, chia sẻ: Từ khi xã thành lập đến nay, Sính Phình chủ yếu có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Nhiều thôn, bản có tới 100% dân số là người Mông. Do đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội diễn ra trên địa bàn luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt của dân tộc Mông. Như để minh chứng cho điều mình nói, ông chỉ tay về phía khoảng sân cách trụ sở UBND xã không xa là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ của đồng bào trong những dịp lễ, tết. Vào những dịp như vậy, trong trang phục đặc trưng của dân tộc, các thiếu nữ Mông cầm ô duyên dáng múa bên những chàng trai say sưa thổi khèn. Ngoài ra, họ còn chơi các trò chơi dân gian như: Ném pao, cù quay, đẩy gậy… Nét độc đáo, đặc sắc trong văn hóa dân tộc Mông còn thể hiện ở cả đời sống tinh thần đa dạng, phong phú với nhiều phong tục gọi là lý: Lý người ốm, lý cơm mới, lý cưới vợ… Theo ông Dù, hiện nay đời sống đồng bào phát triển, người dân dần xóa bỏ các hủ tục, chú trọng duy trì các lễ hội, phong tục truyền thống…
Thi giã bánh giày của người Mông tại Hội xuân. |
Khai thác gắn với bảo tồn
Đúng như lời ông Giàng A Dù, dân tộc Mông có nét văn hóa truyền thống không chỉ đặc sắc mà còn đa dạng, phong phú. Bởi vậy, những năm qua, các cấp chính quyền đã nỗ lực trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê và phân loại di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu, phục dựng lễ hội, giá trị văn hóa các dân tộc nói chung, dân tộc Mông nói riêng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã thực hiện bảo tồn và phục dựng nhiều lễ hội truyền thống dân tộc Mông như: Lễ nhuz đa (ma khô) của ngành Mông xanh tại xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa; lễ nào pê chầu ở xã Nà Tấu, huyện Điện Biên. Cùng với đó, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa cộng đồng thường xuyên được tổ chức. Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh được tổ chức 2 năm 1 lần thu hút hàng trăm diễn viên không chuyên ở các xã, thôn, bản. Cấp huyện, xã tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống dân tộc. Thông qua đó, đồng bào dân tộc Mông được giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết; nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp được khơi dậy, bảo tồn và phát huy trong đời sống. Từ năm 1961, Thủ tướng Chính phủ có quyết định đưa chữ Mông vào dạy tại các trường có con em dân tộc Mông và cán bộ vùng cao Tây Bắc. Tuy không phải chữ phổ thông song chữ Mông được tiếp nhận nhiệt tình, tích cực; đặc biệt là đội ngũ cán bộ lực lượng vũ trang, công an đang công tác tại địa bàn vùng cao.
Cùng với những hoạt động môi trường, không gian để khai thác, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông thì các di sản văn hóa phi vật thể trong đó có dân tộc Mông cũng được quan tâm, nghiên cứu, đầu tư. Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm có từ 1 - 3 đề tài nghiên cứu được triển khai. Trong đó, các lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc Mông thường xuyên được nghiên cứu, phục dựng. Ngoài những đề tài tiêu biểu đã nghiên cứu, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp tục tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, 10/10 huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác kiểm kê. Nhiều địa phương đã hoàn thành, như: Mường Nhé, Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên Phủ đã hoàn thành công tác tổng kiểm kê. Đối với danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lập 3 hồ sơ khoa học. Trong đó có Tết “Nào Pê Chầu” dân tộc Mông, tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng. Triển khai thực hiện các tiểu dự án thuộc Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã xác định bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh là duy trì, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp; 100% các dân tộc được kiểm kê, đánh giá, lập hồ sơ di sản văn hóa và các giá trị tiêu biểu, phát triển ít nhất 2 nghề truyền thống trong đó có nghề truyền thống của dân tộc Mông...
Đỗ Quyên