Trăn trở thổ cẩm

Thứ Hai, 06/10/2014, 18:45 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ lâu, thêu, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống được duy trì ở một số thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Được coi là sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đem lại giá trị kinh tế nhưng vấn đề duy trì và phát triển thổ cẩm Điện Biên còn nhiều điều băn khoăn, trở ngại. Trước dấu hiệu thổ cẩm bị mai một, những người làm thổ cẩm đã nỗ lực giữ, duy trì nghề.

Người dệt ít mặn mà

Cách không xa TP. Điện Biên Phủ, từ lâu bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên là một trong những nơi còn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ngồi bên khung cửi đang dệt dở, chị Lưu Thị Kim Dung – người đã xây dựng đề án khôi phục nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái và được Dự án Action Aid (tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thanh niên, các tổ chức xã hội và truyền thông vào các chương trình an sinh xã hội tại Việt Nam) tài trợ, chia sẻ: Những ngày đầu chị phải đến từng nhà, gặp từng chị em để vận động, thuyết phục họ tham gia tổ dệt. Sau nhiều ngày trực tiếp đi vận động, cuối cùng nhóm đã có 14 người tham gia. Những sản phẩm đầu tiên làm ra, chị Dung đem giới thiệu trên một số website và tham gia bán hàng tại hội chợ và các đại lý. Mặc dù được duy trì đến nay, song hầu hết sản phẩm làm ra mới chỉ có hình thức mua bán nhỏ lẻ, làm quà lưu niệm cho khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử, như: Đồi A1, hầm Đờ - cát, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng…

v
Tổ dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.


Tuy nhiên, thực tế hiện nay là nhiều người dệt thổ cẩm có tâm lý chán và không còn mặn mà với nghề như trước, đặc biệt là lớp trẻ. Có không ít nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Để lý giải điều này, cầm trên tay chiếc khăn Piêu, chị Dung chỉ cho chúng tôi những ưu điểm mà không phải sản phẩm thổ cẩm bán ngoài chợ có được, như: Dệt thủ công bằng khung dệt, sợi vải có độ dai và bền màu, hoa văn mang nét đặc trưng truyền thống, ít bị phai màu. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm này lại tương đối cao. Khảo sát tại một số điểm di tích, cửa hàng bán đồ lưu niệm và khu vực chợ trung tâm I, TP. Điện Biên Phủ, giá của các sản phẩm: Khăn Piêu, túi Thái, vỏ chăn, gối dao động từ 100 – 250 nghìn đồng. So với các mặt hàng dệt may công nghiệp cao hơn từ 30 – 50 nghìn đồng. Và nếu người mua trả giá khéo thì giá 2 sản phẩm còn có mức chênh lệch cao hơn. Sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, số lượng bán không nhiều, chủ yếu là cho khách du lịch theo mùa. Do đó, thổ cẩm truyền thống khó cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp trên thị trường và có mức tiêu thụ chưa cao.

Nỗ lực “Mẹ truyền con nối”

Thêu, dệt thổ cẩm là nghề có từ lâu đời, song một số nơi nghề này chỉ còn phổ biến trong lớp người cao tuổi. Nhiều nhóm thêu của dân tộc Thái, Mông có thành viên chủ yếu là người trung, cao tuổi. Qua các năm, lớp trẻ ngày một vắng bóng dần bên các đường kim, mũi chỉ và khung cửi. Trước thực trạng đó, hình thức “Mẹ truyền con nối” được nhiều gia đình có người làm thổ cẩm ở các thôn, bản lựa chọn và nỗ lực truyền dạy lại cho con, cháu.

v
Nỗ lực "Mẹ truyền con nối", song việc duy trì và phát triển thổ cẩm Điện Biên bền vững vẫn còn là điều trăn trở.


Để tránh nghề bị mai một, những người phụ nữ trong tổ dệt đã hợp sức khôi phục nghề dệt. Ngoài những khung cửi có sẵn, chị em tìm kiếm thêm khung cửi cũ và sửa lại cho đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng dệt. Những nghệ nhân giỏi biết dệt mẫu hoa văn cổ được mời về dạy cho các chị em trong tổ, nhóm. Người còn nhớ nghề chỉ dạy cho người chưa biết. Lớp trung, cao tuổi dạy dệt thổ cẩm cho lớp trẻ… Cứ thế, nhiều thiếu nữ trong bản đã tự tay làm ra vỏ gối, chăn để chuẩn bị cho mình trong ngày thành hôn. Là một trong những người tham gia tổ khôi phục nghề truyền thống ở xã Thanh Nưa, chị Vì Thị Phong, chia sẻ: Nếu sản phẩm thổ cẩm không còn thì nghề dệt sẽ bị mai một. Duy trì nghề chính là tạo ra sản phẩm. Chú trọng truyền nghề, những thành viên trong tổ đã thường xuyên động viên, giúp đỡ nhau để nghề dệt thổ cẩm không bị mai một. Mục đích là vừa tạo ra sản phẩm, công ăn việc làm lúc nông nhàn vừa là lưu giữ được nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc. Mỗi khi rảnh rỗi, các con, em chị Vì Thị Lú, Vì Thị Phong đã tự nguyện học nghề của mẹ, của bà và làm ra được những sản phẩm đơn giản. Ban đầu, sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, giờ hơn 100 chị, em trong nhóm đã có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng từ bán sản phẩm thổ cẩm. Điều đáng mừng là tổ dệt đã kéo được lớp trẻ quay về với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đồng thời tìm lại và bảo tồn các mẫu hoa văn cổ có nguy cơ mất đi.

Với những khó khăn hiện tại thì nghề thủ công truyền thống này đã có dấu hiệu mai một, cần được duy trì bằng việc truyền nghề, tạo ra sản phẩm cũng như tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển thổ cẩm Điện Biên bền vững vẫn còn là điều trăn trở.

 

Đỗ Quyên

.