Thiếu sân chơi cho người hâm mộ bóng đá
Điện Biên TV - Vài năm trở lại đây, phong trào thể dục thể thao (TDTT) tỉnh ta ngày càng phát triển. Đặc biệt, một số môn: cầu lông, võ cổ truyền, võ karate… thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia. Song hiện nay môn bóng đá ở tỉnh lại kém phát triển.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao – Du lịch, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 51 sân bóng đá, trong đó chỉ có 3 sân cỏ nhân tạo. Các sân bóng hầu hết đều chưa đạt tiêu chuẩn, bề mặt sân không đủ chất lượng, nhiều sân không có hàng rào bảo vệ... Đặc biệt, có những sân bóng nằm gần đường nơi có nhiều người qua lại, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và cho chính người chơi.
TP. Điện Biên Phủ là địa bàn có gần 20 sân bóng nhưng phần lớn các sân chưa đạt tiêu chuẩn và cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu người tham gia tập luyện.
Sân cỏ nhân tạo tại Trường Cao đẳng nghề thu hút đông đảo người đến tập luyện thường xuyên vào mỗi buổi chiều hàng ngày. |
Có mặt tại sân bóng đá cỏ nhân tạo của Trường Cao đẳng nghề, TP. Điện Biên Phủ khoảng 5 giờ chiều, ngoài các cầu thủ trong sân còn có trên 20 người đứng rải rác quanh khu vực sân bóng chờ đến lượt. Bạn Vì Văn Cường, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, chia sẻ: Là môn thể thao em yêu thích, nên chiều nào em cũng đến đây đá bóng. Thế nhưng để được vào sân đá, phải chờ hơn 1 tiếng mới đến lượt mình vì có nhiều người tham gia. Có những hôm còn không tới lượt vì em đến muộn, trong khi đó nhóm khác đã thuê và đặt lịch trước rồi. Đề cập đến việc tới sân khác chơi, Cường vừa cười, vừa nói, ở đây sinh viên nhiều mà hầu hết các bạn nam đều thích chơi bóng đá nên dù tới sân nào cũng chật kín người. Chúng em chơi quen ở đây còn hy vọng đến lượt được chứ đến sân khác thì chỉ đứng ngoài xem thôi.
Tranh thủ thời gian giải lao của nhóm người chơi tại sân cỏ nhân tạo (cạnh Nhà thi đấu Đa năng tỉnh) thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Chi nhánh tỉnh Điện Biên, trò chuyện với người đang chờ đến lượt - anh Nguyễn Minh Thông, được biết do tới muộn nên phải chờ các tốp tới trước đá xong. Theo anh Thông thì việc phải ngồi chờ để đến lượt là rất bình thường, bởi ngày nào cũng có khoảng 4 – 5 tốp tới đây tập luyện.
Bóng đá là môn thể thao được rất nhiều người yêu thích. Tập luyện bóng đá không chỉ thỏa niềm đam mê mà còn mang lại sức khỏe cho người chơi. Tuy nhiên, với số lượng sân cỏ nhân tạo và sân tập thông thường như hiện nay vẫn là ít so với nhu cầu thực tế. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, với điều kiện hiện nay của tỉnh thì rất khó hiện đại hóa các sân bóng đá từ tỉnh đến cơ sở. Bởi để xây dựng sân bóng đạt tiêu chuẩn, với sân 11 người, kích thước từ 5.500m2 đến 6.500m2 phải đầu tư khoảng 1,3 – 2 tỷ đồng. Hay với một sân cỏ nhân tạo từ 5 - 7 người kích thước từ 1.000m2 đến 1.500m2 cũng có giá 350 – 500 triệu đồng, với giá đầu tư lớn như vậy tỉnh chưa thể thực hiện được. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về sân chơi ngày càng tăng của nhân dân, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, các địa phương, cơ quan, đơn vị, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh phí, tạo điều kiện về quỹ đất nhằm đẩy mạnh phong trào xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các sân cỏ nhân tạo. Từ đó, tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho thanh, thiếu niên cũng như tất cả những người yêu thích môn bóng đá, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở, thúc đẩy phong trào TDTT toàn tỉnh, thiết thực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Văn Quyết