Họa sĩ Việt Nam hướng về biển đảo Tổ quốc
Các triển lãm về đề tài biển đảo đang diễn ra tại Hà Nội, miêu tả quá trình trải nghiệm thực tế của các họa sĩ trong hành trình về với biển đảo.
Với mong muốn góp một phần phản đối hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, các họa sĩ Việt Nam đã liên tục giới thiệu tác phẩm của mình thông qua 3 triển lãm lớn về đề tài biển, đảo, với các thể loại tranh cổ động, hội họa và biếm họa. Triển lãm đang diễn ra tại Hà Nội, với các tác phẩm thể hiện quá trình trải nghiệm thực tế của các họa sĩ trong hành trình về với biển đảo thiêng liêng.
Không chọn những câu từ khó hiểu để đặt tên cho tác phẩm của mình, hai bức tranh của họa sĩ Ca Lê Thắng có tên gọi giản dị là “Trường Sa” và “Cây phong ba”, gợi cho người xem nhiều sự liên tưởng. Hơn hết, đó là ý thức của một công dân thể hiện những xúc cảm của mình trước vẻ đẹp của biển cả, trước một vấn đề thời sự của đất nước: chủ quyền biển đảo. Trong tranh của Ca Lê Thắng, người xem thấy được nơi đảo xa, biển trời rộng lớn, đầy bão giông, sóng nổi nhưng cũng rất vững vàng.
Những bức tranh biếm họa về đề tài biển đảo (Ảnh: Hà Phương) |
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn rất tâm đắc với hai tác phẩm của họa sĩ Ca Lê Thắng: “Qua bức tranh này, tôi thấy có sự phấn chấn trong cảm xúc, trong cách nhìn. Nó cũng làm thay đổi ngôn ngữ bởi trước đây khi nhắc đến Ca Lê Thắng, người ta thường ấn định với loại hình, ngôn ngữ như thế. Nhưng qua hai bức tranh này, anh đã chọn được một ngôn ngữ thích hợp với đề tài biển đảo. Không chỉ là phong cảnh thuần túy mà nó còn pha trộn cả ngôn ngữ biểu hiện và trừu tượng nên sức thuyết phục rất mạnh, không chỉ thuần túy là nghệ thuật ấn tượng”.
Chọn ngôn ngữ trừu tượng và cho ra đời bộ ba bức tranh giấy dó khổ lớn, “Ballad Biển Đông” của họa sĩ Lý Trực Sơn dường như đem lại cho người xem những cảm giác nhẹ nhàng mỗi khi nghĩ đến vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc. Bộ ba tác phẩm này cũng là kết quả những chuyến đi thực tế đến với Trường Sa.
Họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ: nếu coi bộ ba tác phẩm “Ballad Biển Đông” là kết quả sau hành trình về với biển đảo thì với ông, những trải nghiệm trong chính hành trình ấy còn đáng quý hơn. Ông nhớ lại triển lãm đầu tiên tham gia thật đặc biệt khi người vẽ lại chính là những chiến sĩ và các em thiếu nhi trên đảo và họa sĩ lại trở thành người xem, người hướng dẫn trong khoảng thời gian ngắn ngủi lưu lại đảo.
Không chỉ có tranh hội họa, tranh cổ động, các thế hệ họa sĩ đã đóng góp tiếng nói, thể hiện thái độ trước hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông bằng những tác phẩm biếm họa sâu sắc. Đó là những tên tuổi như Lý Trực Dũng, Hà Huy Chương, Văn Thọ hay những bút danh quen thuộc như Nốp, Nhím, LEO…
Các tác phẩm thể hiện đa dạng ý tưởng, hình tượng châm biếm, tiếng nói phản đối hành động của Trung Quốc ngang nhiên đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khai thác triệt để thế mạnh của tranh biếm họa, các tác phẩm là tiếng nói trực diện, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đả kích những hành động ngang trái của Trung Quốc.
Tranh biếm họa về Biển Đông |
Họa sĩ Lý Trực Dũng nêu quan điểm: “Họa sĩ biếm họa thực sự là những người lính xung kích trên mặt trận mỹ thuật. Chúng tôi đã tự vẽ những bức tranh như thế từ 2009, 2011 và mới nhất là năm nay. Tôi cũng rất cảm động vì có những anh em họa sĩ đã 85 tuổi vẫn vẽ 20 bức tranh. Có nữ họa sĩ tên là Diệp Thanh, quê ở Nghệ An, vừa làm báo vừa làm họa sĩ. Tuy chưa bao giờ vẽ tranh biếm họa nhưng lần này chị đã tham gia. Điều đó thể hiện rằng tất cả mọi người đã vẽ với tinh thần tự giác”.
Nổi bật trên những tác phẩm của từng họa sỹ, người xem có thể cảm nhận được tình yêu biển đảo, yêu Tổ quốc, cho dù đó là chuyến đi vừa mới kết thúc 3 tháng hay nhiều năm về trước. Tình cảm tự thân của người họa sĩ trước những vấn đề thời sự, đặc biệt liên quan đến chủ quyền dân tộc lại càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn với những cảm xúc chân thành.
Rất nhiều họa sĩ đã đến với Trường Sa, Hoàng Sa không chỉ là để trải nghiệm cuộc sống, cùng vẽ, cùng chia sẻ tình cảm và hành động của mình với những chiến sĩ ngày đêm thực thi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Nói như nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo: Những góc nhìn từ biển đảo cũng chính là điều kiện thực tiễn, hun đúc nên tình cảm, bút pháp và để lại dấu ấn sự nghiệp cho các họa sỹ: “Các nghệ sĩ tham gia rất đông đảo, tích cực, góp phần đem lại cho công chúng nhiều cách nhìn, cách cảm nhận về biển đảo của Tổ Quốc. Sự nhiệt huyết, hăm hở của các nghệ sĩ khiến cho công chúng bấy lâu nay ít quan tâm đến nghệ thuật đã phải lưu tâm hơn tới vấn đề thời sự trực diện này”.
Không có một thước đo nào đo được tình cảm thiêng liêng mà người dân cả nước dành cho những người đang bám biểm, bám đảo và giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Cũng không có thước đo nào cụ thể hóa được những tác động xã hội mà các họa sĩ cũng như bao lớp văn nghệ sĩ đương thời đang cố gắng chuyển tải qua các thông điệp đến mọi người dân. Nhìn vào sức sáng tạo và thái độ làm việc nghiêm túc của họ, người xem sẽ hiểu: nghệ thuật và cuộc sống luôn chung một con đường, nhất là khi điều đó gắn với ý thức về chủ quyền dân tộc./.
Theo VOV