Du lịch Điện Biên - Tiềm năng và định hướng phát triển
Điện Biên TV - Là một tỉnh miền núi biên giới nằm ở cực Tây của Tổ quốc, Điện Biên được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến bởi một chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" - Chiến thắng Điện Biên Phủ; cùng với đó là sự đa dạng về văn hóa truyền thống của cộng đồng 19 dân tộc anh em và nhiều địa danh có thể đưa vào khai thác du lịch. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế này, du lịch Điện Biên đã, đang có những chiến lược dài hạn để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển.
Tiềm năng
Với sự ưu đãi của thiên nhiên, Điện Biên có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, như: Hồ Pá Khoang, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, động Pa Thơm...; các điểm suối nóng Hua Pe, U Va (huyện Điện Biên); hồ thủy điện Sơn La... là những điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, Điện Biên còn có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, tiêu biểu là các di tích như: Tháp Mường Luân, thành Tam Vạn, thành Bản Phủ, đền thờ Hoàng Công Chất và đặc biệt là cụm di tích Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Lễ hội thành Bản Phủ 2014. |
Điện Biên nằm ở vị trí ngã 3 biên giới giáp với 2 nước Trung Quốc và Lào, hiện nay, trên tuyến biên giới với nước bạn Lào đã có cặp Cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc, Cửa khẩu Hình Phác - Na Son; trên tuyến biên giới với Trung Quốc có lối mở A Pa Chải - Long Phú. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đi các cặp cửa khẩu, lối mở đang được Nhà nước và địa phương đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương của cư dân hai bên biên giới. Tỉnh còn có sân bay Điện Biên Phủ được quy hoạch là sân bay Quốc tế tiểu vùng. Hệ thống đường bộ đi Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; đi Lai Châu - Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ và các tỉnh Đông Bắc tạo thành cung kết nối giữa các tỉnh, vùng miền trong và ngoài nước. Và cũng với vị trí địa lý này, tỉnh là cầu nối thuận lợi giữa khu vực Bắc Bộ với các tỉnh Bắc Lào, khu vực Tây Nam Trung Quốc và miền nam Myanma. Đây là những điều kiện thuận lợi để Điện Biên khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ và thương mại, kinh tế cửa khẩu với các nước trong tiểu vùng.
Điện Biên có 19 dân tộc anh em cùng chung sống mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng, gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc, như: Thiết chế bản Mường; những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt và tín ngưỡng, lễ hội của mỗi dân tộc, cùng với đó là những món ăn đặc sản mang đậm nét của vùng Tây Bắc... là những tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn đối với du khách, nhất là du khách quốc tế.
Định hướng phát triển
Những năm qua, hoạt động du lịch dịch vụ của Điện Biên đã có bước phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, trong đó có 2 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế; 110 cơ sở lưu trú du lịch với trên 1.700 buồng; gần 100 nhà hàng; 8 bản văn hóa và trên 20 khu, điểm di tích lịch sử, danh thắng có khả năng đáp ứng nhu cầu về nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, văn nghệ, lễ hội ẩm thực... cho du khách. Năm 2013, Điện Biên đón 370 ngàn lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 65 ngàn lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 433,7 tỷ đồng (tăng 44,6% so với năm 2012). Riêng 6 tháng đầu năm 2014, với việc tổ chức thành công chuỗi các sự kiện trong hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, du lịch Điện Biên đón 315 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 48,8 ngàn lượt; doanh thu đạt 315,5 tỷ đồng. Đây được đánh giá là thời điểm du lịch Điện Biên có bước tăng trưởng bứt phá, đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm (GDP) của tỉnh.
Dệt thổ cẩm của dân tộc Thái Điện Biên được giới thiệu tới đông đảo du khách. |
Hiện Điện Biên đã cùng 8 tỉnh trong khu vực thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc mở rộng giai đoạn 2010 - 2015 để khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi địa phương, thúc đẩy tăng trưởng du lịch của khu vực.
Về lâu dài, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 906/KH - UBND ngày 16/4/2013 về Chiến lược phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các mục tiêu để xây dựng Điện Biên trở thành một trong ba địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của Vùng du lịch trung du, miền núi Bắc Bộ. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch: Du lịch lịch sử gắn với quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ và các điểm văn hóa tâm linh, như: Hầm Đờ - cát và các cứ điểm Đồi A1, C1, D1, E1, Độc lập, Him Lam, Tượng đài chiến thắng...; du lịch tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; du lịch nghề thủ công truyền thống, như: Nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát của dân tộc Mông, nghề nấu rượu Mông Pê, chè cây cao của đồng bào dân tộc Mông...; du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái núi cao; du lịch biên giới gắn với các cửa khẩu...vv.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, ngay từ hiện tại và tầm nhìn xa, Điện Biên chủ trương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch. Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí hiện đại, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh chủ trương tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tiếp tục cải tiến các thủ tục xuất nhập cảnh để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách... Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ có những chính sách ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực này. Cụ thể là những ưu đãi về thuế; ưu đãi về nhập khẩu và khấu hao nhanh đối với tài sản cố định; ưu đãi về sử dụng đất; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tín dụng đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục đầu tư và giải quyết các thủ tục hành chính trong thời gian ngắn nhất.
Dương Huyền