Đặc sắc chợ phiên vùng cao Tả Sìn Thàng

Thứ Bảy, 07/06/2014, 16:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chợ phiên Tả Sìn Thàng là nét văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng cao Tủa Chùa. Tại đây, cảnh vật, con người hòa quyện vào nhau như để vẽ nên một bức tranh đa sắc màu, phản ánh chân thực cuộc sống của những con người vốn cần cù, chịu khó quanh năm lam lũ. Chợ phiên Tả Sìn Thàng xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa cũng lưu giữ những đặc trưng riêng. Không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu, trao đổi hàng hóa của các dân tộc trong vùng, chợ phiên Tả Sìn Thàng còn là điểm hẹn lý tưởng của các chàng trai, cô gái người dân tộc giao duyên.

v
Chợ phiên Tả Sìn Thàng được tổ chức 6 ngày một lần

Đã thành thông lệ, cứ 6 ngày một lần, đến ngày chợ họp thì không kể là ai, không kể là kẻ giàu sang hay người nghèo khó, ai nấy đều cố gắng có mặt như một lời hẹn ước. Từ khi trời còn tang tảng sáng, từ khắp các nẻo đường, tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng chân ngựa, tiếng đàn môi, tiếng cười nói đã xôn xao, náo nức trên khắp các lối mòn. Nhà nào có điều kiện thì đi xe máy, còn nhà không có điều kiện thì đi bộ đến chợ, bất kể xa hay gần. Những chàng trai, cô gái dân tộc Mông trong những bộ váy áo sắc sỡ bên những gùi hàng, kẻ địu con che ô, người dắt ngựa, hàng hóa đa dạng và phong phú. Tất cả đều đổ dồn về chợ phiên như một điểm hẹn.

Nằm ngay thung lũng trung tâm của 5 xã gồm: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Sả Phình, Trung Thu, Sính Phình, chợ phiên Tả Sìn Thàng là hình ảnh sống động náo nhiệt của núi rừng. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao ở Tủa Chùa. Ông Nguyễn Hữu Điển, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn huyện Tủa Chùa vẫn đang được lưu truyền, lưu giữ cơ bản được nét chính của 2 chợ phiên Tả Sìn Thàng và chợ phiên xã Xá Nhè. Đây là một trong những nét văn hóa rất độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao, đặc biệt đó là người Mông ở trên Tủa Chùa. Tủa Chùa gồm 4 ngành Mông chính (Mông Đu, Mông Đơ, Mông Lềnh và Mông Sua) nhưng khi về đến chợ thì các nét văn hóa được diễn ra ngoài mục tiêu mua bán còn là hoạt động về văn hóa." 

Rất dễ để có thể nhận ra, ở chợ phiên Tả Sìn Thàng, người bán người mua tấp nập, nhưng vui vẻ, không hề có sự bon chen hay tranh giành giá cả như hoạt động ở các chợ khác. Tại các phiên chợ luôn hiện lên sự hồn nhiên, mộc mạc, ít mánh khóe toan tính trong thói quen mua bán của những cư dân vùng cao này. Họ mua hàng thường quan tâm tới chất lượng, hoặc sở thích. Nếu ưng một món đồ nào đó, thường họ xem rất kỹ sau đó mới hỏi giá, nếu giá hơi cao so với túi tiền, họ có thể trả thấp hơn một chút, nhưng nếu chất lượng món đồ làm vừa lòng họ, họ cũng không hề mặc cả. Điều đó có thể coi như là một nét đẹp mà không phải ở đâu cũng có.

vcb
Chợ được nằm ngay thung lũng trung tâm của 5 xã phía bắc huyện Tủa Chùa

Từ câu chuyện bán công cụ lao động tại mỗi phiên chợ của ông Mùa A Chư và anh Sùng A Vảng - người dân xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa có thể cho thấy, người ta đến chợ phiên không đề cao tính thương mại. Khi được hỏi về lợi nhuận sau khi xuất bán mỗi vật dụng, những người này không ngần ngại cho hay.

Do nguyên liệu làm dao, liềm, cuốc... ở địa phương không có nên họ thường phải đi mua lại từ các gia đình thu gom phế liệu ngoài thị trấn về để tái chế tạo. Mặc dù không hề niêm yết về giá đối với mỗi sản phẩm cùng chủng loại nhưng hầu như đã có sự thống nhất. Không có giá bán thứ 2. Thế nên ở đây người ta chỉ cạnh tranh nhau về chất lượng, về mẫu mã sản phẩm chứ không lo phải cạnh tranh về giá cả, vì đã có sự thống nhất.

Trên thực tế, hàng hóa mang đến trao đổi ở chợ phiên Tả Sìn Thàng đôi khi cũng chỉ là một vài mớ rau, một ít mận, mấy bắp hoa chuối rừng, vài lít rượu hoặc một vài chai mật ong... Có khi cũng có người mang đến một con bò, con ngựa, một đôi lợn, con gà… Bán được hay không gần như không mấy quan trọng. Có người đi cả ngày đường đến chợ chỉ để mua một đôi dép, cân muối hoặc một vài nhu yếu phẩm cần thiết khác. Cũng có người chỉ đi bán một con gà, hoặc đơn giản chỉ ăn một bát phở. Tất nhiên cũng không hiếm những người chỉ đến vì mục đích đi chơi hay gặp lại bạn bè, người thân như để gặp gỡ và trao đổi thông tin.

Thường thì chợ phiên Tả Sìn Thàng nhộn nhịp nhất vào khoảng 12  giờ trưa. Chỗ này người Kinh mua các sản vật địa phương, chỗ kia người Dao, người Mông túm tụm bên chai, lọ, kim, chỉ, quạt điện, đồ trang điểm, làm đẹp... Nhắc đến chợ phiên Tả Sìn Thàng, không mấy ai lại không nhớ đến rượu Mông Pê. Đây được xem như đặc sản của đồng bào dân tộc Mông. Rượu Mông Pê được ủ từ mầm ngô, những cây ngô trồng rải rác trên các triền đá tai mèo nên nồng mà dịu, mạnh mà không choáng khiến người uống lúc nào cũng lâng lâng, say mà vẫn tỉnh, tỉnh mà vẫn say.

vcb
Chợ phiên Tả Sìn Thàng nhộn nhịp nhất vào khoảng 12  giờ trưa

Ông Hạng A Láng, Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa cho biết: "Chợ Tả Sìn Thàng có từ thời Pháp cho đến bây giờ, trước thì ở tận trong bản xa nhưng mấy năm vừa rồi được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư chuyển chợ vào gần trụ sở xã. Chợ Tả Sìn Thàng không chỉ riêng người dân xã Tả Sìn Thàng mà toàn bộ các xã phía bắc huyện Tủa Chùa tham gia họp chợ. Có chợ rất thuận tiện cho bà con giao thương hàng hóa không chỉ riêng các xã trên địa bàn huyện mà có cả các xã thuộc huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) trao đổi hàng hóa nữa."   

Bên cạnh việc thông thương hàng hóa, chợ phiên Tả Sìn Thàng còn là nơi gặp gỡ và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Mỗi phiên chợ không chỉ đơn thuần là mua bán, trao đổi hàng hóa mà điểm đặc biệt nhất, độc đáo của chợ phiên Tả Sìn Thàng so với nhiều phiên chợ vùng cao ở Tây Bắc là họp lùi ngày. Ví như tuần này chợ họp ngày thứ 6 thì tuần sau chợ sẽ chuyển sang họp ngày thứ 5 và cứ thế tuần tự. Mỗi phiên chợ đều được bà con các dân tộc xem như ngày hội. Ngoài mục đích xuống chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa, thì đây cũng là dịp để nghỉ ngơi, giao lưu, gặp gỡ và còn là nơi để các chàng trai, cô gái tìm hiểu giao duyên. Những người đã có gia đình, hay các cụ già thì gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất, cũng như trong cuộc sống, mua sắm những vật dụng sinh hoạt trong gia đình.

Đi chợ là đi chơi, là giao lưu, tìm hiểu bạn tình, chọn bạn đời, do đó không ai tất bật, vội vã. Mỗi người đều chọn cho mình những trang phục đẹp nhất, mới nhất. Đến chợ, mọi người còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người phụ nữ qua các trang phục đặc trưng riêng của từng dân tộc. Nơi đây được xem như bức tranh sống động nhất về trang phục đặc sắc của các dân tộc, bởi sự đa sắc của những chiếc váy xòe người Mông, bởi màu đỏ của dân tộc Mông đỏ, màu trắng của dân tộc Mông trắng, khăn áo ngũ sắc truyền thống của người Dao, cùng với những chiếc thắt lưng điệu đà, áo màu xanh lá cây, giày khâu màu đỏ của người Xạ Phang,... Tất cả đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc vô cùng đẹp mắt. Không chỉ vậy, từng nét hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục của đồng bào dân tộc ở đây vô cùng tinh xảo, cầu kỳ, màu sắc kết hợp hài hòa tạo nét riêng cho mỗi dân tộc, có dân tộc thì dùng họa tiết hình gấu, hình chó, có dân tộc dùng hoa văn hình con thoi, hình hoa thị, nào thì hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ T,...

Bên cạnh đó, chợ Tả Sìn Thàng còn là nơi hẹn hò gặp gỡ của biết bao chàng trai cô gái người dân tộc. Qua tiếng khèn, tiếng tiêu, kèn môi, kèn lá, qua những bát rượu Mông Pê ướp men lá rừng, qua chén trà Shan Tuyết hương thơm ngào ngạt… rất nhiều người trong số họ đã nên vợ  thành chồng.

Chợ phiên Tả Sìn Thàng là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp của đồng bào vùng cao cho đến tận ngày nay. Ngoài ý nghĩa thương mại, chợ phiên còn là nơi thể hiện rõ nét những bản sắc văn hóa, những đặc trưng truyền thống, những phong tục tập quán của từng dân tộc vùng núi cao Tây Bắc. Những nét đẹp truyền thống cùng với những giá trị về tinh thần đó đã và đang được địa phương chọn lọc, duy trì và phát triển. Nơi đây thực sự là một điểm hẹn văn hóa trong tiềm thức của mỗi người khi đến thăm mảnh đất vùng cao Tây Bắc này./.

 

Minh Thịnh - Huy Long
 

.