Điện Biên Đông xây dựng nếp sống mới trong việc hiếu, hỷ
Điện Biên TV - Điện Biên Đông là huyện vùng cao, trình độ dân trí còn thấp, vẫn còn khá nhiều các hủ tục lạc hậu chưa được loại bỏ. Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhiều hủ tục lạc ở Điện Biên Đông đã được loại bỏ, bản sắc văn hóa của từng dân tộc được phát huy.
Đồng bào không còn thách cưới bằng bạc trắng, rượu, thịt, trâu, bò... như trước đây mà tổ chức những đám cưới đơn giản, tiết kiệm nhưng vui vẻ, hạnh phúc, phù hợp với điều kiện của từng gia đình |
Nằm trong quần thể của 54 dân tộc anh em trong cả nước, hiện trên địa bàn huyện Điện Biên Đông có 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Thái, Mông chiếm đa số. Mặc dù, cùng sinh sống nhưng trong tổng số 6 dân tộc, mỗi dân tộc đều mang cho mình một sắc thái dân tộc đặc sắc riêng. Điều này đã tạo nên cho Điện Biên Đông những sắc màu văn hóa đa dạng, nhiều phong tục tập quán phong phú.
Tuy nhiên, với điều kiện của một huyện nghèo thuộc chương trình 30a/CP, trình độ dân trí thấp, người dân vẫn còn khá nhiều hủ tục lạc hậu chưa được loại bỏ, trong đó có việc cưới hỏi và việc tang. Ông Lò Ngọc Ánh - Chủ tịch UBND xã Mường Luân huyện Điện Biên Đông cho biết: "Phong tục truyền thống dân tộc Lào nói riêng và các dân tộc của xã Mường Luôn nói chung, cách đây vài năm, mỗi khi xây dựng gia đình nhà gái thường tổ chức thách cưới cao với những vật dụng đắt tiền như: Vòng tay, vòng chân, trâm cài đầu bằng bạc. Ngoài ra, người con trai phải đến ở rể ít nhất từ 3 - 5 năm thì mới cho cưới. Khi tổ chức cưới nhà trai phải mang đến một con trâu hoặc một con bò và tổ chức ăn uống nhiều ngày. Điều này không chỉ gây lãng phí và còn gây tốn kém tiền của của gia đình nhà trai. Nhiều gia đình khó khăn đã phải vay mượn làm cho kinh tế gia đình kiệt quệ. Trước kia người dân tổ chức đám tang rất tốn kém. Cụ thể là để người chết lâu ngày rồi đợi anh em ở khắp nơi đến, xong cứ ngày thì mổ trâu, mổ bò và gà rất tốn kém. Bây giờ các thủ tục này đã không còn nữa, nếu gia đình nào khá giả thì thịt một con trâu hoặc bò thôi."
Với tỷ lệ dân số chiếm 60%, đồng bào dân tộc Mông được biết đến có nhiều hủ tục khá lạc hậu, trong đó có hủ tục tang ma rườm rà như là nổ súng kíp sau khi tắt thở trong đám tang; không đưa người chết vào quan tài, có những dòng họ còn buộc người chết vào cột, rồi bón thức ăn cho người đã chết. Các nghi thức trong thời gian tổ chức đám tang thường diễn ra rườm rà, kéo dài từ 3 đến 4 ngày, thậm chí có nơi để 7 ngày, nhờ thầy cúng, thầy mo xem giờ phù hợp, giờ đẹp mới cho vào quan tài, nên nhiều thi thể khi mang đi chôn đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy. Gia đình có tang phải giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, nếu gia đình nghèo không có thì phải đi vay, mượn. Những con vật giết mổ trong đám tang như: Trâu, bò, lợn đều phải chia các phần thịt cho ban lễ tang và người đại diện bên nội, bên ngoại. Một số địa phương không quy hoạch nghĩa trang, nghĩa địa, tập quán thói quen tùy tiện chôn cất vào những khu vực tùy thích, dù là đất đã giao quyền sử dụng cho hộ khác, đất đã và đang quy hoạch xây dựng các công trình công cộng, đất thuộc địa phận của xã khác, huyện khác. Điều này đã làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ hai gia đình, dòng họ, chính quyền các địa phương.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của nhiều năm về trước, từ khi thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đến nay việc cưới hỏi và tang ma của đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên Đông đã có nhiều nét đổi thay, phát huy bản sắc dân tộc. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Điện Biên Đông đã xác định đây là cơ hội tuyên truyền, vận động các đồng bào dân tộc loại bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, phát huy được bản sắc văn hóa riêng, sắc thái của từng dân tộc.
Hiện nay, các thủ tục lễ nghi trong việc tổ chức tang ma của đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên Đông đã được đơn giản hơn nhiều so với những năm trước |
Để thực hiện được tốt Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, huyện Điện Biên Đông đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào "Toàn xây đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và Ban vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang giai đoạn 2013 – 2015. Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tới các xã, thị trấn. Các cơ quan đoàn thể của xã có trách nhiệm tham mưu giúp cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai phong trào đi vào chiều sâu và tới đông đảo quần chúng nhân dân. Ngoài ra, ban chỉ đạo phong trào thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện, qua đó hướng dẫn cơ sở, đơn vị giải quyết những khó khăn để thực hiện phong trào được tốt hơn. Ông Quàng Văn Trường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết: "Khó khăn nhất trong vận động việc cưới hỏi và tang ma là việc vận động những người cao tuổi. Bởi vì, họ vẫn mang nặng tập quán cũ. Bằng nhiều phương pháp, huyện tập trung tuyên truyền bằng việc đưa những người cùng dân tộc đã có nhiều tiến bộ đến vận động từng gia đình, thì nhiều người đã có chuyển biến và tự giác chấp hành."
Đến nay, việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang ở huyện Điện Biên Đông đã có những chuyển biến khá tích cực. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã nhận thức rõ các quy định, quy ước. Xu hướng đơn giản hoá các thủ tục, nghi lễ trong việc tổ chức lễ cưới, tang ma được nhân dân thực hiện tốt. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, việc tổ chức cưới hỏi đã có chuyển biến tích cực. Đồng bào không còn thách cưới bằng bạc trắng, rượu, thịt, trâu, bò... như trước đây mà tổ chức những đám cưới đơn giản, tiết kiệm nhưng vui vẻ, hạnh phúc, phù hợp với điều kiện của từng gia đình, địa phương. Các nghi lễ, hủ tục rườm rà trước đây được loại bỏ; không còn tình trạng cướp vợ. Đoàn thanh niên, hội phụ nữ cơ sở phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, tạo điều kiện về mọi mặt để giúp đỡ, vận động đoàn viên, thanh niên, hội viên thực hiện tốt nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong việc cưới.
Một trong những thay đổi rõ nét có thể thấy là việc tang ma của đồng bào dân tộc Mông, người chết đã không còn để lâu trong nhà; việc chôn cất đã dần dần đi vào quy hoạch, người chết đã được đưa vào quan tài, không còn tình trạng mổ trâu, bò khi gia đình có người mất; các thủ tục lễ nghi đã được đơn giản hơn nhiều so với những năm trước. Việc tổ chức phúng viếng trên tinh thần tình cảm, chia buồn với gia đình, tri ân với người quá cố. Hiện tượng lợi dụng tang lễ để thu lời, uống rượu say và tụ tập đánh bạc đã bị đẩy lùi. Tình trạng mời thầy mo, thầy cúng về cúng tế kéo dài "yểm bùa, trừ tà, bắt ma" hoặc làm các nghi lễ có tính chất mê tín gây lãng phí tiền của và thời gian cho gia đình tang chủ cũng giảm.
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Điện Biên Đông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện tốt nếp sống văn minh theo đúng tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị./.
Duy Linh - Ngọc Bích