Đầu tư đồng bộ để phát triển du lịch
Điện Biên TV - Du lịch được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Song trên thực tế thời gian qua tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển du lịch, tỉnh ta đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Thông qua các chương trình, dự án, đến nay cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch từng bước được nâng cấp và xây dựng mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch. Toàn tỉnh hiện có 102 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với trên 1.500 buồng, tăng gấp 4 lần năm 2004. Trong đó, có khách sạn Mường Thanh đạt tiêu chuẩn 4 sao; khu du lịch sinh thái Him Lam đạt tiêu chuẩn 3 sao; 4 khách sạn: Hà Nội - Điện Biên Phủ; Công đoàn; Thanh Bình, ASEAN) đạt tiêu chuẩn 2 sao; hơn 80 nhà hàng, 8 bản văn hóa và trên 20 khu, điểm di tích lịch sử, danh thắng… đáp ứng tốt nhu cầu về nghiên cứu, tìm hiểu của du khách về văn hóa, văn nghệ, lễ hội, ẩm thực. Nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu tôn tạo, như: Triển khai giai đoạn II công trình tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; trùng tu công trình đường kéo pháo bằng tay của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ; tượng đài mừng công tại Công viên chiến thắng Mường Phăng; tôn tạo tháp Mường Luân. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án bảo tồn bản văn hóa truyền thống dân tộc Thái, ngành Thái đen tại bản Che Căn (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên) với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Phê duyệt Đề án xây dựng bản văn hóa dân tộc để phát triển du lịch đến năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng; phê duyệt quy hoạch Khu du lịch sinh thái động Pa Thơm; đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch Khu du lịch hồ Pa Khoang; khu du lịch sinh thái kết hợp với trồng rừng tại đèo Pha Đin (huyện Tuần Giáo) với quy mô 133ha; xây dựng khu văn hóa tâm linh Tông Khao (huyện Điện Biên) với quy mô 25ha…
Hướng dẫn viên giới thiệu cho khách tham quan di tích lịch sử Điện Biên Phủ. |
Xác định công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch có vai trò quan trọng nhằm phát triển du lịch, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch tích cực tham gia các hội chợ, hội thảo, sự kiện du lịch tại các địa phương và trung tâm du lịch của cả nước, như: Hà Nội, Vũng Tàu, Lào Cai, Quảng Ninh… và các nước trong khu vực, như: Lào, Trung Quốc nhằm giới thiệu tiềm năng, các sản phẩm, dịch vụ du lịch của Điện Biên đến với các thị trường trong nước và quốc tế. Tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nhằm thu hút khách du lịch. Đặc biệt, Điện Biên đã tích cực tham gia chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ). Trong đó, tập trung hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch và hợp tác phát triển nguồn nhân lực địa phương. Bước đầu đã hình thành tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc” để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch khai thác, thu hút khách du lịch tham quan, tìm hiểu. Nhờ đó, lượng khách đến tham quan, du lịch tại Điện Biên đều tăng qua các năm. Trong năm 2013, toàn tỉnh thu hút trên 380.500 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 5,69% so với năm 2012; trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 66,75 nghìn lượt, góp phần đưa tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 433,7 tỷ đồng. Chỉ trong tháng 1/2014, khoảng 30 nghìn lợt khách đến Điện Biên, trong đó, lượng khách quốc tế khoảng 5.600 lượt.
Với mục tiêu đón trên 130 nghìn lượt du khách quốc tế và 500 nghìn khách du lịch nội địa, tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 600 tỷ đồng vào năm 2015, ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm du lịch, phương tiện vận chuyển du khách, khu vui chơi giải trí… tỉnh chú trọng xây dựng các vùng có di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trở thành các điểm tham quan. Đầu tư phục dụng và bảo tồn một số lễ hội tiêu biểu, như: lễ hội thành Bản Phủ; lễ hội xên Mường. Phát triển sản phẩm du lịch nghề thủ công truyền thống để các làng nghề trở thành địa điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách; đồng thời làm cơ sở sản xuất đồ lưu niệm, quà tặng, các mặt hàng ẩm thực… phục vụ du khách. Tiêu biểu như nghề dệt thổ cẩm Lào (bản Na Sang II, xã Núa Ngam); nghề đan lát dân tộc Thái (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên); nghề nấu rượu Mông Pê của dân tộc Mông (huyện Tủa Chùa). Thí điểm xây dựng các chương trình du lịch, tour du lịch mang tính chất trải nghiệm hấp dẫn cho khách du lịch, như: chương trình “một ngày làm nông dân Thái”, “quy trình tự làm trang phục dân tộc Mông, dân tộc Lào”…
Minh Thùy