Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông Đỏ xưa và nay
Điện Biên TV - Mường Chà là huyện có 11 dân tộc anh em cùng chung sống. Để nhận diện các dân tộc, thông thường người ta vẫn dựa vào ngôn ngữ và trang phục truyền thống của các chị em phụ nữ. Trong số những trang phục truyền thống mang vẻ đẹp đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thì trang phục của chị em phụ nữ dân tộc Mông là rực rỡ và nổi bật nhất. Tuy nhiên, theo thời gian thì chất liệu và cách thức để làm nên bộ trang phục truyền thống này đã và đang có nhiều thay đổi.
Phụ nữ Mông Đỏ ở Mường Chà |
Đồng bào Mông cư trú ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên và được chia ra làm 5 ngành chính là: Mông Đen, Mông Trắng, Mông Xanh, Mông Hoa và Mông Đỏ. Đây có lẽ là cách phân biệt các ngành Mông qua trang phục truyền thống của chị em phụ nữ, như người Mông Đen tập trung đông ở khu vực Tủa Chùa, có trang phục màu chàm và đen là chủ đạo; người Mông Trắng sống rải rác ở các vùng Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà thì thường mặc váy trắng thô đính hạt cườm, hoặc quần màu thay vì mặc váy. Riêng trang phục của phụ nữ Mông Đỏ là rực rỡ hơn cả, bởi màu sắc chủ đạo là đỏ và hồng.
Đồng bào Mông, ngành Mông Đỏ sống tập trung chủ yếu ở huyện Mường Chà. Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Đỏ có màu sắc rực rỡ và những nét hoa văn tinh tế, chỉ cần nhìn từ xa đã nhận diện được ngay. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông Đỏ gồm áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía trước váy, thắt lưng và xà cạp. Các đường viền trên váy áo của chị em phụ nữ được trang trí rất cầu kỳ. Phía sau cổ áo là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn tỉ mỉ. Hai ống tay áo cũng được thêu hoa văn là những đường vằn ngang với đủ màu sắc. Bắt mắt nhất là chiếc váy hoa được thêu chỉ màu nổi bật, trong đó gam màu nóng đóng vai trò chủ đạo, các màu sắc khác được dùng không đáng kể, chủ yếu để phối hợp tạo ra hình khối.
Đối với chị em phụ nữ người Mông Đỏ ở Mường Chà, việc tự thêu váy áo không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn là truyền thống lâu đời, thể hiện sự cần cù, nhẫn nại và quan điểm về cái đẹp của họ: Đẹp đồng nghĩa với sự rực rỡ; đẹp cũng có nghĩa là nổi bật. Những sợi màu đỏ, cam, hồng, tím, được bàn tay của chị em phụ nữ người Mông kết hợp một cách khéo léo trên vuông vải, đã biến thành những nét hoa văn muôn hình muôn vẻ.
Vào mùa đi làm nương rẫy công việc rất bận rộn nên chị Giàng Thị Dính, bản Huổi Toóng 1, xã Huổi Lèng phải tranh thủ lúc nông nhàn để thêu váy áo. Để bắt đầu thêu những đường cơ bản cho chiếc váy mới của mình, chị Dính dùng màu hồng tím. Sau khi thêu hoa văn cơ bản, chị sẽ dùng các loại sợi màu khác nữa để phối hợp. Sẽ cần thêm rất nhiều sợi màu để hoàn thành một chiếc váy.
Hoa văn trên cổ áo và hoa văn tượng hình |
Không mấy khó khăn để có thể mua được các loại vải, sợi cần thiết cho váy thêu mà chị em phụ nữ người Mông Đỏ ở Mường Chà vẫn mặc ngày nay. Các cửa hàng tạp hóa ở ngay trung tâm xã luôn rất sẵn các loại vải và sợi màu cho chị em lựa chọn. Vải làm chân váy, được cắt ra và cuộn lại, mỗi cuộn có giá từ 40 – 45 nghìn đồng. Sợi màu các loại có giá từ 7 - 8 nghìn đồng/1 cuộn. Vải sợi hóa học tuy không có được nhiều thuộc tính tốt như vải, sợi tự nhiên nhưng chúng có độ bền cao và lại rất tiện dụng. Vì vậy, khoảng mười năm trở lại đây, phụ nữ người Mông Đỏ ở Mường Chà vẫn dùng các loại vải, sợi này để may, thêu váy áo truyền thống.
Thời gian đã làm cho nhiều thứ thay đổi. Khi đời sống sản xuất của người dân vùng cao thoát khỏi phương thức tự cấp tự túc thì cũng đồng nghĩa với việc một số nghề thủ công truyền thống mất đi. Việc xuất hiện các loại vải sợi hóa học đủ màu sắc và rất tiện dụng để may váy áo truyền thống, đã khiến cho nghề trồng lanh, dệt vải của người Mông Đỏ ở huyện Mường Chà nhanh chóng mai một.
Trước đây khi nghề trồng lanh, dệt vải còn phổ biến ở vùng đồng bào Mông, váy áo của chị em phụ nữ người Mông Đỏ ở Mường Chà thường được dệt bằng sợi lanh. Từng gắn bó với người Mông qua rất nhiều thế hệ, vải lanh, cây lanh không chỉ được người Mông sử dụng trong đời sống thường ngày mà còn trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc. Khi cô dâu người Mông về nhà chồng, người mẹ thường tặng cho cô những chiếc váy lanh làm của hồi môn. Người Mông khi qua đời cũng phải được niệm bằng vải lanh. Nhưng ngày nay, phong tục này không còn nữa.
Phải rất khó khăn chúng tôi mới được thấy tận mắt những chiếc váy thêu truyền thống của phụ nữ Mông Đỏ ở Mường Chà trước đây. Những chiếc váy được bà Hù Thị Mỷ cất giữ rất cẩn thận trong tủ gia đình. Chiếc váy màu hồng là do bà Mỷ tự dệt và thêu, còn chiếc váy màu chàm thêu chỉ vàng là quà của người mẹ thân yêu để lại. Nhìn qua thì những chiếc váy dệt bằng sợi tự nhiên này không khác những chiếc váy mới được thêu trên sợi hóa học là bao nhưng lật mặt sau của váy lên, những đường hoa văn vẽ bằng sáp ong vẫn còn nguyên vẹn với thời gian mới chứng tỏ cho ta nhiều khác biệt. Nhìn vào những nét vẽ sáp ong đã cũ, ta có thể thấy lại tất cả sự cầu kỳ để làm nên bộ trang phục bằng vải lanh truyền thống của người Mông xưa.
Để có được những bộ trang phục như ý, người phụ nữ Mông đã cần mẫn trồng lanh, se sợi, dệt vải, vẽ sáp ong, sau đó mới nhuộm chàm rồi may cắt và thêu hoa cho váy áo. Phải mất hàng năm trời để hoàn thiện những bộ trang phục truyền thống từ loại sợi tự nhiên đặc biệt này. Có lẽ bởi sự cầu kỳ, tỷ mỉ này mà những cô gái Mông ngày nay đã chọn vải sợi hóa học thay cho việc trồng lanh, dệt vải. Không còn ai trồng cây lanh, nghề dệt vải lanh cũng không còn nữa, giờ đây những chiếc váy Mông truyền thống đã trở thành vật quý. Bà Hù Thị Mỷ, bản Trung Dình, xã Huổi Lèng chia sẻ: Bây giờ làm váy bằng vải lanh, vải bông thì phải trồng cây và phải vất vả, làm váy bằng các loại vải mua sẵn thì nhàn hơn, nhanh hơn nên không ai làm váy vải lanh, vải bông nữa. Cái váy ngày xưa của tôi giờ cất làm kỷ niệm, không ai làm được nữa đâu.
Hoa văn vẽ bằng sáp ong |
Tỉnh Điện Biên có 21 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc lại có tiếng nói, chữ viết và trang phục mang bản sắc riêng. Những chiếc váy thêu cầu kỳ, như đóa hoa rừng rực rỡ của chị em phụ nữ người Mông Đỏ, khiến cho họ trở nên nổi bật hơn trên nền xanh bao la của rừng núi. Màu sắc mạnh mẽ của trang phục, cũng phản ánh khá rõ tính cách quyết liệt của một dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước thiên nhiên hoang dã, mặc dù điều kiện sống của người Mông ở những vùng núi cao luôn rất khó khăn. Tỷ mỉ thêu nên những nét hoa văn tinh tế, người phụ nữ Mông đã mang cả núi rừng vào từng đường kim, mũi chỉ. Từng nét hoa văn đã in sâu trong trí nhớ các cô gái người Mông, như cuộc sống mộc mạc và bình dị đang diễn ra quanh họ. Chiếc váy thêu của người phụ nữ dân tộc Mông Đỏ có lẽ là một trong số không nhiều di sản văn hóa vật thể còn lại, của một cộng đồng người từng trải qua nhiều cuộc thiên di. Tuy nhiên, theo thời gian và sự vận động của cuộc sống, nó đã và đang chịu tác động của những đổi thay.
Trang phục truyền thống là một phần không thể tách rời trong di sản văn hóa vật chất của tộc người. Qua trang phục truyền thống của một dân tộc, người ta có thể thấy được nhiều điều về lịch sử dân tộc, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như những sắc thái riêng của cộng đồng dân tộc đó. Tuy nhiên, trang phục truyền thống cũng có thể thay đổi theo thời gian, do sự thay đổi về kinh tế, xã hội, nguồn nguyên liệu và quá trình giao lưu, ảnh hưởng.
Ngày nay, bản làng của đồng bào Mông Đỏ huyện Mường Chà đã được xây dựng ở những nơi gần đường quốc lộ. Việc đi lại thuận lợi hơn, các loại hàng hóa cũng có thể mua sắm dễ dàng hơn. Chiếc váy hoa của các bà, các chị, các cô cũng được may, thêu bằng chất liệu khác, nhưng điều quan trọng là yếu tố bản sắc không được mất đi. Bản sắc trong trang phục truyền thống của phụ nữ Mông Đỏ là những sắc màu quen thuộc, là nét hoa văn được truyền lại qua nhiều thế hệ, là kiểu dáng xa xưa và cũng có thể là cách mặc trang phục theo từng hoàn cảnh. Đó là tất cả những gì thể hiện cái riêng biệt, cái đẹp không có ở những dân tộc khác. Chính vì vậy, dù xã hội có hiện đại đến đâu thì bộ trang phục truyền thống cũng cần được gìn giữ như giữ hồn dân tộc./.
Minh Giang – Huy Long