Phát hiện những dấu tích đầu tiên trong thành cổ Sam Mứn

Chủ Nhật, 31/03/2013, 16:25 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vừa qua, đoàn khảo sát khai quật khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh tiến hành khảo sát, tìm kiếm những dấu tích còn sót lại trong thành Sam Mứn hay còn gọi là thành Tam Vạn thuộc huyện Điện Biên để làm căn cứ bổ sung cho việc trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử này. Sau hơn 1 tháng khảo sát, đoàn đã phát hiện những dấu tích đầu tiên được xác định là di tích trong thành cổ Tam Vạn.

cfb
Theo nhận định ban đầu của đoàn khảo sát, đây có thể là phế tích nền móng kiến trúc của một ngôi chùa thời cổ

Căn cứ vào nguồn sử liệu và luận cứ khoa học do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên cung cấp, cùng với các nguồn thông tin từ các bậc cao niên trong xã kể lại, đoàn đã tiến hành khảo sát, khai quật tại vườn của gia đình anh Lò Văn Thanh, đội 8 Pom Lót, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên. Dưới một gò đất rộng khoảng 150m2, cao gần 1m so với nền sân, đoàn đã phát hiện những dấu tích đầu tiên của di tích này đó là: Dưới lớp đất mỏng có những lớp gạch, đá xếp chồng lên, những hàng gạch bắt góc được xếp bằng gạch đặc đã lộ rõ, mặt dưới móng được gia cố bằng đá cuội. Theo nhận định ban đầu của đoàn khảo sát, đây có thể là phế tích nền móng kiến trúc của một ngôi chùa thời cổ.

Bên trong ngôi chùa, đoàn khảo cổ còn phát hiện một tiểu đựng hài cốt và nhiều đồ gốm sứ đã bị vỡ, đinh móc, dao, mác đã bị han rỉ. Theo anh Lò Văn Thanh cho biết: Khoảng 20 năm trước, gia đình anh đã đào đất ở gò này đổ vào nền nhà, trong quá trình đào cũng đã phát hiện được một số lọ gốm sứ to bằng cổ tay có họa tiết, hoa văn trang trí rất đẹp, song không biết sử dụng vào mục đích gì nên đã vứt đi. 

bfb
Đoàn còn phát hiện nhiều đồ gốm sứ đã bị vỡ, đinh móc, dao, mác đã bị han rỉ

Hiện tại, đoàn khảo cổ vẫn chưa thể khẳng định được đây có phải là một trong những dấu tích của công trình di tích thành Tam Vạn hay không! Song từ những dấu tích thu thập được, đây có thể là dấu tích còn sót lại trong thành vào khoảng thế kỷ thứ 16, 17. Để có thêm căn cứ bổ sung cho việc trùng tu, tôn tạo di tích thành Tam Vạn, hiện đoàn khảo cổ đang tiến hành khảo sát tại một đoạn thành còn sót lại.

Hiện nay, đoàn khảo sát khai quật khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đang đào sâu khu vực khai quật xuống hơn 1 mét và tìm kiếm những dấu tích còn sót lại để làm sáng tỏ. Đồng thời, đoàn cũng tiếp tục khảo sát, khai quật, tìm kiếm các dấu tích khác trong thành để sớm đi đến kết luận và báo cáo lên cấp trên làm căn cứ bổ sung vào việc trùng tu, tôn tạo di tích thành Tam Vạn./. 

 

Duy Sinh – Anh Quân

.