Bảo tồn chữ Thái – Phát huy tinh hoa của dân tộc

Thứ Sáu, 15/03/2013, 10:25 [GMT+7]

Điện Biên Tv - Ở tỉnh Điện Biên, dân tộc Thái chiếm khoảng 38%, do vậy, văn hóa Thái có ảnh hưởng khá lớn đến các dân tộc khác trong tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, đồng bào Thái còn rất ít người biết chữ Thái và chỉ sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao tiếp hàng ngày. Vì vậy, mục tiêu bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái là rất cấp thiết bởi việc dạy và học chữ Thái không những là để tìm lại những nét đẹp, tinh hoa trong văn hóa Thái, mà còn góp phàn bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc .

Dân tộc Thái là một trong số ít các dân tộc thiểu số có chữ viết riêng. Các tác phẩm nổi tiếng, có tính nhân văn sâu sắc của dân tộc Thái đến nay vẫn còn nguyên giá trị như: “Quam tô mương”, “Xống chụ xon xao”, “Ý nọi nang xưa”, “Hiên hom”, “Khun Lú Nang Ủa”… Trong cuộc sống hiện đại, tiếng nói và chữ viết Thái đang dần bị mai một. Vì vậy, nhân dân có nhu cầu được học tiếng nói và chữ Thái để nâng cao nhận thức xã hội và bảo tồn vốn ngôn ngữ. Nhiệm vụ bảo tồn vốn chữ viết của các dân tộc nói chung và dân tộc Thái nói riêng là công việc rất quan trọng và cần thiết của quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và phát huy văn hóa các dân tộc của địa phương.

Đề án dạy tiếng Thái cho học sinh phổ thông tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 – 2015 là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Chương trình dạy nói và chữ viết cho học sinh tiểu học bắt đầu từ lớp 3, học sinh sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về âm, vần, tiếng, từ và một số mẫu câu cơ bản. Chương trình học sử dụng tài liệu sách tiếng Thái đen và mẫu chữ Thái cổ. Ngoài ra còn biên soạn giáo án điện tử phục vụ cho việc tự học, ôn luyện tiếng Thái tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh, đưa lên trang web của Sở Giáo dục – Đào tạo với tên miền www.dienbien.edu.vn, phục vụ yêu cầu học tập và giảng dạy của học sinh, giáo viên và các tầng lớp nhân dân. Đối với học sinh trung học cơ sở sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2014. Chương trình dạy tiếng Thái cho học sinh trung học cơ sở được biên soạn theo hướng phát triển, mở rộng nâng cao và phù hợp với nhận thức của các em học sinh. Học sinh sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp, một số tác phẩm văn học dân gian, phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian và văn hóa ẩm thực của dân tộc…

1
Dạy tiếng Thái, chữ Thái cho học sinh tại trưởng Tiểu học xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.


Song song với việc dạy tiếng Thái, đề án dạy tiếng Mông cũng được triển khai thí điểm tại các trường tiểu học trong tỉnh Điện Biên. Giai đoạn 2001 – 2005 có hơn 1.500 học sinh tiếng Thái tại huyện Tuần Giáo và Điện Biên và 1.389 học sinh tiếng Mông tại huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông. Mỗi năm mở 40 lớp tiếng Thái cho khoảng 2.000 học sinh lớp 3, duy trì số học sinh này lên các lớp 4, 5, 6, 7 vào các năm tiếp theo. Số trường tham gia dạy và học tiếng Thái gồm 40 trường tiểu học và 40 trường trung học cơ sở trên địa bàn 8 huyện, thị xã.

Giáo viên dạy chữ Thái được đào tạo tại trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Điện Biên trong khoảng 9 tháng. Tính đến năm 2010, toàn tỉnh có gần 1.580 giáo viên dân tộc Thái, có đủ nguồn tuyển để đào tạo 40 giáo viên dạy tiếng Thái cho các trường tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2011 – 2015 và các giai đoạn tiếp theo. Chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Thái sử dụng bộ tài liệu đào tạo cán bộ công chức, tài liệu Phương pháp giảng dạy tiếng Thái và sách tiếng Thái tập 1, 2, 3.

1
Bà Lương Thị Đại - người nghiên cứu văn hóa Thái bên những trang sách chữ Thái cổ. Những người biết chữ Thái cổ như bà Đại ở tỉnh Điện Biên hiện không còn nhiều.


Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Điện Biên, quá trình triển khai Đề án dạy tiếng Thái trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay trên địa bàn cả nước chưa có chương trình dạy tiếng Thái, chữ Thái nên địa phương buộc phải tự biên soạn chương trình giảng dạy riêng, trên cơ sở lấy ý kiến của các nhà Thái học. Dạy là dạy tiếng Thái đen, chữ Thái cổ. Do chưa thống nhất chung trên cả nước nên mới chỉ thống nhất được ở tỉnh Điện Biên. Cái khó nữa đó là, hiện những người hiểu biết sâu về tiếng Thái, chữ Thái cổ trên địa bàn tỉnh không còn nhiều, rất khó cho việc tham khảo ý kiến để biên soạn chương trình giảng dạy.

Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tri thức các dân tộc tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác năm 2013 tập trung chia sẻ kinh nghiệm dạy và học chữ Thái nhằm nâng cao việc bảo tồn văn hóa truyền thống; phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch mở rộng việc dạy và học chữ Thái tại các trung tâm giáo dục cộng đồng các xã, các bản văn hóa theo chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm. Nhiều phong tục tập quán của dân tộc Thái bị mai một, một số lễ nghi trong đời sống tinh thần đã pha trộn với văn hóa dân tộc khác nên việc dạy và học chữ Thái đang từng bước đi vào cuộc sống cộng đồng và được đông đảo nhân dân đón nhận.

Từ nhận định một dân tộc muốn phát triển phải bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc mình; trong đó, ngôn ngữ và chữ viết có vai trò to lớn trong phản ánh, giữ gìn bản sắc văn hóa. Vì vậy, nếu làm tốt việc bảo tồn và phát triển chữ Thái sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển du lịch cộng đồng.

 

Lường Hương – Trọng Lâm

.