Cây đàn Tính trong đời sống văn hóa người dân tộc Thái

Thứ Tư, 01/02/2012, 07:11 [GMT+7]

Điện Biên TV - Âm nhạc là thứ không thể thiếu trong đời sống con người. Âm nhạc làm cho đời sống con người thêm tươi mới, và giống như dòng suối mát, âm nhạc có sức mạnh thanh lọc hồn người. Vì thế mà con người đã hằng tạo ra hàng trăm loại nhạc cụ khác nhau, với những âm thanh riêng biệt, để tấu lên mỗi lúc vui buồn, để sẻ chia, hay tìm tiếng lòng đồng vọng.

Mào Ết
Nghệ nhân Mào Ết với cây đàn Tính

Nếu đàn Bầu của người Kinh mỗi khi cất lên như tiếng lòng da diết, tiếng khèn của người Mông như thanh âm vang vọng của đất trời, thì tiếng đàn Tính của người Thái nghe như lời tâm tình, như sự giãi bày mộc mạc. Tiếng đàn ngân lên trong những hội vui. Tiếng đàn trôi theo câu chuyện huyền hồ của những Mo Then trong lễ tục vòng đời. Tiếng đàn kể chuyện đời, chuyện bản...

Không ai biết cây đàn Tính của người Thái ra đời từ bao giờ. Sự tích về cây đàn Tính cũng có nhiều dị bản. Ở mỗi vùng đất người ta lại kể câu chuyện ấy một cách khác nhau. Có chuyện liên quan đến sự tích quả bầu tiên kể về xuất xứ của những giống người. Có chuyện lại nói đó là thứ nhạc cụ của một chàng trai người Thái xưa, dùng thổ lộ tình yêu của mình với người con gái xinh đẹp mà anh thầm yêu trộm nhớ. Và cho đến sau này, người ta cũng chỉ biết đó là thứ nhạc cụ có âm thanh vui tai, lạ và hấp dẫn, có thể tấu lên mỗi lúc vui buồn. Tò mò muốn tìm hiểu về cây đàn có âm điệu riêng ấy, tôi tìm gặp nghệ nhân Mào Văn Ết. Ông Mào Ết kể, ông biết làm đàn Tính từ khi mới 10 tuổi và là một trong số ít người còn lại, biết cách làm đàn tính ở Điện Biên. Ông làm đàn tính như một sự say mê, và trên hết đó là lòng tha thiết với việc bảo tồn loại nhạc cụ dân tộc đặc sắc này.

Cây đàn Tính có 6 bộ phận, trong đó bầu đàn được làm từ quả bầu già, còn những bộ phận khác thì được làm từ những nguyên liệu dễ tìm sẵn có. Không biết bao nhiêu thế kỷ qua, cây đàn Tính đã theo người Thái trắng đi dọc khắp các triền sông, con suối miền Tây Bắc. Đàn ngân nga những cung bậc của tình yêu. Đàn hòa theo khúc hát về sự thăng trầm của một đời người, của làng, của bản. Đàn dắt con người vào thế giới tâm linh huyền ảo cùng bài ca của những ông Mo, bà Mo trong những nghi lễ vòng đời.

Ngày nay đến thị xã Mường Lay – một trong những cái nôi của người Thái trắng Tây Bắc, ta vẫn có thể bắt gặp ở đâu đó trong những bản Thái, tiếng đàn ngân nga hòa theo điệu then huyền ảo. Ở đây đàn Tính được gìn giữ bởi phần lớn là các ông Mo, bà Mo và được dùng vào dịp lễ hội hay trong những lễ tục vòng đời. Âm thanh của cây đàn tính vì vậy được coi như sợi dây nối giữa thế giới thực tại và thế giới siêu nhiên. Nó trở nên thiêng liêng và không thể thiếu trong những nghi lễ truyền thống của đồng bào Thái. Có lẽ chính bởi thế mà người Thái đã coi cây đàn Tính như một vật dụng không thể thiếu trong đời sống của mình.

Hát Then lễ cúng nhà mới
Ông Mo hát Then với cây đàn Tính trong Lễ nhà mới ở Thị xã Mường Lay

Từ thị xã Mường Lay ra sông Đà, rồi đi thuyền qua các làng bản ven sông thuộc địa phận các xã Sín Chải, Tủa Thàng huyện Tủa Chùa, ở đây cũng có những bản làng của người Thái trắng. Trong những bản nhỏ xa xôi này, cây đàn Tính được gìn giữ như một vật gia truyền. Tôi đã đến bản Tà Huổi Tráng, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa. Đây là bản tái định cư có 70 hộ dân, trong đó 50% là dân tộc Thái. Trước đây họ sống ở bản Pắc Na I và II, ven sông Đà, nay chuyển lên bản mới theo Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Gia đình ông Điêu Chính Thạn, bà Lù Thị Nạm tiếp đón chúng tôi bằng những bài ca, điệu hát ngọt ngào, và tất nhiên với người Thái trắng, khi tiếp khách không thể thiếu được âm thanh của cây đàn Tính. Ông Điêu Chính Thạn tự hào cho biết: “Đàn Tính được dùng khá phổ biến trong đời sống của người Thái, như trong các dịp lễ hội, ngày tết hoặc khi anh em đến thăm hỏi,  nói chuyện vui cũng lấy đàn Tính ra tấu lên rồi hát. Đầu tiên là vui, sau là hỏi thăm xem anh em, hàng xóm làm ăn như thế nào, làng bản thay đổi ra sao. Trước, cha ông chúng tôi đã coi cây đàn Tính như một vật thân quen trong đời sống hàng ngày, nay chúng tôi cũng phải noi theo ông bà, theo phong tục, bản sắc dân tộc, không thể bỏ được”.

Gắn bó với người Thái qua những thăng trầm, biến đổi của lịch sử và đời người, cùng họ hát lên bài ca ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu, của mùa xuân và sự sống; cây đàn Tính đã trở thành thứ nhạc cụ mang tâm hồn, tính cách của dân tộc Thái.

Ngày nay trước tác động của những trào lưu văn hóa hiện đại đang du nhập vào từng ngõ ngách của làng bản, việc chế tác đàn Tính và chơi đàn Tính của người Thái đang dần bị mai một. Con số người biết làm đàn Tính và biết chơi đàn Tính ở Điện Biên chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, và hầu hết họ đều là những người đã ở vào cái tuổi “cổ lai hy”. Lẽ nào chúng ta để cho thứ nhạc cụ đặc sắc này bị lãng quên và văn hóa hát Then, đàn Tính của người Thái dần trôi vào quá vãng?




Đặng Minh Giang

.