Điện Biên duy trì nghề mây tre đan truyền thống

Thứ Sáu, 25/11/2011, 14:22 [GMT+7]

(Điện Biên TV)- Ngày nay, tuy đời sống kinh tế - xã hội phát triển nhưng những sản phẩm truyền thống làm từ mây tre đan vẫn luôn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Thái.

Sản xuất mây tre đan thủ công ở Nà Tấu
Duy trì và phát triển nghề mây tre đan ở Nà Tấu

Xã Nà Tấu, huyện Điện Biên - nơi chuyên sản xuất ra những sản phẩm từ mây tre đan như bàn, ghế mây, cóong đựng sôi hay nong, nia, dần, sàng... phục vụ  nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh. Những sản phẩm mây tre đan mà bà con nơi đây sản xuất ra đều được nhiều người ưa chuộng và ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường ....
Nắm được thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2010, ông Quàng Văn Thích ở bản Khua Pén - xã Nà Tấu cùng với 21 thành viên khác trong xã đã thành lập nên Tổ hợp tác làng nghề mây tre đan Nà Tấu. Bình quân mỗi ngày cơ sở này sản xuất được 6 chiếc ghế, 4 chiếc nong, nia, 1 chiếc bàn mây nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của người dân.

 

Ngược dòng thời gian, xuất phát từ nhu cầu phục vụ lao động sản xuất và tập quán sinh hoạt mà đồng bào dân tộc Thái đã biết khai thác từ cây mây, cây tre, cây nứa để làm nên những vật dụng đơn sơ như lờ, đó, nơm, giỏ để đánh bắt thủy sản và những chiếc rổ, rá, nong, nia để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Những vật dụng đó vẫn luôn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt và không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái từ bao đời nay.
 Ngày nay, mặc dù kinh tế- xã hội phát triển, đời sống của đại bộ phận đồng bào các dân tộc đã được nâng lên, nhiều vật dụng phục vụ nhu cầu đời sống được sản xuất ra với nhiều mẫu mã đa dạng, hấp dẫn. Nhưng những vật dụng truyền thống làm từ mây tre đan của đồng bào dân tộc Thái không phải vì thế mà bị mai một, lãng quên. Chúng ngày càng được sản xuất ra với nhiều mẫu mã phóng phú hơn, tinh xảo hơn. Từ bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công, những sản phẩm truyền thống của dân tộc Thái đã dần được xuất hiện ở những hội chợ thương mại lớn, những khu trưng bày quà lưu niệm và đã trở thành nguồn cảm hứng cho thi ca. Những sản phẩm truyền thống từ mây tre đan của đồng bào dân tộc Thái không chỉ được người dân tộc Thái ưa thích sử dụng mà còn được nhiều du khách thập phương biết đến và ưa chuộng.

Mây tre thành phẩm xuống phố
Mây tre thành phẩm xuống phố

 

Thực hiện Nghị Quyết TW 5 về: Bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, hiện nay, các cấp, các ngành tỉnh Điện Biên đang thực hiện nhiều chương trình khuyến khích đồng bào các dân tộc bảo tồn và phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình, trong đó có nghề mây tre đan của đồng bào dân tộc Thái. Tuy nhiên việc duy trì và phát triển nghề mây tre đan truyền thống cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Quàng Văn Thích- Tổ trưởng Tổ hợp tác làng nghề mây tre đan Nà Tấu cho biết: " Bản Nà Tấu chúng tôi từ bao đời nay đã có truyền thống nghề mây tre đan. mấy năm gần đây, được nhà nước quan tâm hỗ trợ chúng tôi đã thành lập được tổ hợp tác mây tre đan.Tuy nhiên, cái khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là thiếu vốn sản xuất và thiếu nguồn nguyên liệu. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng phát triển nghề mây tre đan cuả dân  tộc mình."
Thu nhập bình quân của mỗi thành viên Tổ hợp tác làng nghề mây tre đan khoảng 2 triệu đồng/tháng là cũng là khoản thu nhập đáng kể giúp các thành viên phục vụ đời sống sinh hoạt, cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, nghề mây tre đan của đồng bào dân tộc Thái mới chỉ phát triển nhỏ lẻ ở một bộ phận trong nhân dân. Để nghề mây tre đan ở Nà Tấu nói riêng và nghề mây tre đan truyền thống của đồng bào dân tộc Thái Điện Biên nói chung phát triển rộng rãi và bền vững, tỉnh ta cần có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, phát triển nguồn nguyên liệu, đặc biệt là tìm hướng ra thị trường cho sản phẩm một cách bền vững và lâu dài, làm sao để một nghề phụ lúc nông nhàn như hiện nay trở thành nghề thu nhập chính cho người dân./.

Kim Oanh- Minh Tuân

 

.