Thực hiện lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác
Điện Biên TV - Ngày 27-3 là “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh như lời dạy của Bác.
Hội khỏe Phù Đổng thành phố Điện Biên Phủ lần thứ XIII, năm 2020 |
Cách đây 74 năm, sau khi Chủ tịch HCM cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước VNDCCH đất nước vừa giành được độc lập, dân tộc đã gặp phải biết bao khó khăn, trở ngại bởi thù trong giặc ngoài, cộng thêm với nền kinh tế do chế độ cũ để lại rất nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân nhiều nơi đói rét, dịch bệnh hoành hành, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, thất học và mù chữ nặng nề...
Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời nhằm đẩy lùi những khó khăn trở ngại và Người kêu gọi đồng bào cả nước chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đồng thời nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vai trò sức khỏe con người, sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập ngành Y tế và ngành TDTT của nước Việt Nam mới.
Vào ngày 31/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành TDTT ngày nay. Ngành TDTT mới ra đời nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam.
Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27-3-1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.
Ngành TDTT mới là cơ quan tham mưu của Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Đây là cơ quan quản lý, điều hành công tác TDTT trong phạm vi cả nước. Ngành TDTT mới là cơ quan đặc trách công tác TDTT vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Điều đó chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước cách mạng tháng Tám.
Cuối tháng 3 năm 1946, Hồ Chủ tịch viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục". Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi" của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27-3-1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào Khỏe vì nước. Đây là bước đầu của nền TDTT mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.
Với những ý nghĩa sâu sắc đó, ngày 29-1-1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27-3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh.
Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, Ngành TDTT Việt Nam với các tên như: Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên rồi đến Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946) và sau này là Ban Thể dục thể thao Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban TDTT (1960), Ủy ban TDTT đã giữ được vị trí TDTT trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau, lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước và tham gia phong trào quốc tế. TDTT đã trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hương Trà/DIENBIENTV.VN