Già hóa dân số ở Nhật Bản được ví như "cơn sóng thần màu xám"

Thứ Năm, 07/04/2022, 07:27 [GMT+7]

Trong nỗ lực ứng phó áp lực đến từ dân số già hóa, lần đầu tiên kể từ năm 1876, Nhật Bản đã hạ độ tuổi thành niên, đồng thời điều chỉnh độ tuổi kết hôn.

Bắt đầu từ tháng 4/2022, tuổi thành niên ở Nhật Bản được hạ từ 20 xuống 18. Cùng với đó, độ tuổi tối thiểu có thể kết hôn cũng được điều chỉnh đối với nữ giới là 18 và nam giới là 16. Việc sửa đổi hàng loạt quy định luật được Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng có thể khuyến khích giới trẻ sớm lập gia đình, cải thiện tỷ lệ sinh và đảo ngược quá trình già hóa dân số.

Cũng từ 1/4, hệ thống bảo hiểm y tế công của Nhật Bản sẽ chi trả 70% chi phí cho các phương pháp điều trị hiếm muộn. Chính sách mới nhằm khuyến khích phụ nữ hiếm muộn sinh con khi Nhật Bản vốn đã là một trong những nước có số lượng phụ nữ sử dụng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) lớn nhất thế giới. 7% trẻ ở nước này sinh ra trong ống nghiệm so với tỷ lệ 2% ở Mỹ. Ước tính, toàn bộ chi phí cho một chu kỳ thụ tinh IVF là hơn 500.000 Yen, gần 100 triệu VNĐ, cao hơn thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình Nhật Bản.

Giải pháp nào để đối phó?

1

Nhật Bản đã đưa ra Đại cương đối sách đối với vấn đề giảm tỷ lệ sinh, trọng tâm là chính sách khuyến khích kết hôn, hỗ trợ mang thai, sinh đẻ và nuôi con… Cụ thể hóa các chính sách này, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chương trình như quyết định sử dụng ngân sách để hỗ trợ sinh đẻ, sửa đổi luật nghỉ phép chăm sóc và giáo dục trẻ em, theo đó, nữ có thể nghỉ trước khi sinh 8 tuần, cả nam và nữ đều có thể nghỉ phép sau sinh 1 năm, được hưởng 67% lương.

Nhật Bản cũng thực hiện nhiều nỗ lực giúp phụ nữ cải thiện cuộc sống và cân bằng giữa công việc với gia đình bằng cách mở rộng số lượng các trường mầm non miễn phí, tăng cường hỗ trợ kinh tế trong quá trình nuôi con. Theo tầm nhìn dân số dài hạn của Nhật Bản, nếu tỷ lệ sinh tăng lên 1,8 đến năm 2030 và 2,07 đến năm 2040, Nhật Bản có thể chặn đứng tình trạng giảm dân số xuống dưới mức 100 triệu người vào năm 2060.

Ở Nhật Bản, tình trạng già hóa dân số được ví như cơn sóng thần màu xám. Hơn lúc nào hết, Nhật Bản đang cảm nhận rõ tác động của già hóa dân số đối với vị thế của nước này là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học là một trong những điều Thủ tướng Kishida Fumio đã nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử, coi đây là ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình, bên cạnh những vấn đề khác như chống dịch và phục hồi kinh tế.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/gia-hoa-dan-so-o-nhat-ban-duoc-vi-nhu-con-song-than-mau-xam-20220407010742233.htm

 

 

Theo VTV

 

.