Gánh nặng nợ công tại các nước đang phát triển

Thứ Sáu, 22/04/2022, 07:10 [GMT+7]

Trong khi các nước giàu ít gặp khó khăn trong việc đối phó với các khoản nợ ngày càng tăng thì nhiều nền kinh tế đang phát triển chịu áp lực lớn hơn.

Một trong những ví dụ điển hình về rủi ro nợ mà các nước đang phát triển phải đối mặt là quốc gia Nam Á Sri Lanka. Tổng các khoản thanh toán nợ sắp đến hạn trong năm nay của Sri Lanka là 7 tỷ USD, với một trái phiếu trị giá 1 tỷ USD sẽ đáo hạn vào tháng Bảy tới. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của nước này chỉ khoảng 2,3 tỷ USD.

Hôm 12/4 vừa qua, Chính phủ Sri Lanka thông báo tạm dừng trả nợ nước ngoài và đề nghị gói cứu trợ tài chính khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Bộ Tài chính Sri Lanka giải thích rằng xung đột Nga - Ukraine và đòn giáng của đại dịch COVID-19 vào ngành du lịch khiến nước này mất khả năng trả nợ. Vấn đề nợ được coi là khó khăn khi một quốc gia không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình và bắt buộc phải tái cơ cấu nợ.

Ông Vitor Gaspar - Giám đốc Ban Tài chính, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng: "Khi nhìn vào các thị trường mới nổi, chúng ta thấy rằng các thị trường trái phiếu quốc tế đang hoạt động có trật tự, nhưng có một số thị trường mới nổi phi hệ thống đã có mức chênh lệch lãi suất rất cao, đến ngưỡng có thể coi là khó khăn. Khoảng 60% các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp đã rơi vào tình trạng nợ nần khó khăn hoặc có rủi ro cao".

Cũng theo IMF, tổng vay nợ của các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình trên thế giới đã tăng lên 256% GDP toàn cầu trong năm 2020, mức chưa từng thấy kể từ hai cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ 20.

1

Tìm kiếm một giải pháp toàn cầu thực sự cho bài toán nợ công đã trở nên cấp thiết. Trong điều kiện hiện nay, điều này đòi hỏi IMF và các nước thành viên WB phải tập hợp nguồn lực để hỗ trợ giải quyết vấn đề.

Ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ công

Tìm ra cách thức mở rộng và thúc đẩy khuôn khổ nhằm giải quyết vấn đề nợ cho các quốc gia đang phát triển gặp khó khăn cũng là ưu tiên trong kỳ họp mùa Xuân của của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB diễn ra từ ngày 18/4 tại thủ đô Washington của Mỹ.

Theo bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Một trong những điều chúng ta cần tập trung thực hiện đó là bảo vệ các quốc gia và người dân khỏi nguy cơ khủng hoảng lương thực. Về điều này, cần phải tập hợp cộng đồng quốc tế lại với nhau để cung cấp tài chính, cũng như đảm bảo xuất khẩu lương thực và nâng cao năng suất nông nghiệp ở châu Phi, bao gồm các biện pháp ngay lúc này để giúp nông dân sản xuất nhiều hơn. Đây là điều tối quan trọng".

Ông Pierre-Olivier Gourinchas - Nhà kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): "Ở những quốc gia mà tình hình y tế cho phép, hãy rút lại những hỗ trợ đã được đưa ra trong hai năm qua. Đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, hãy thực hiện các chính sách có mục tiêu và tạm thời sẽ giúp họ đối mặt với giá lương thực và năng lượng gia tăng. Điều này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như chiết khấu hóa đơn điện nước, trợ cấp giá thực phẩm và năng lượng, miễn là chúng là tạm thời và có các điều khoản rõ ràng về thời hạn, và tất cả các chính sách này đều được ghi trong khuôn khổ tài khóa trung hạn để đảm bảo bền vững tài khóa.

1

Ông David Malpass - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB): "Tôi nghĩ rằng các bước mở cửa thị trường của nhiều nền kinh tế phát triển có thể bổ sung rất nhiều cho nguồn cung toàn cầu và giảm bớt một số tác động đối với các nước nghèo, bản thân các nước nghèo cần xây dựng hệ thống của mình để sản xuất nhiều hơn. Một trong những hạn chế là trong những năm gần đây, có sự thiếu hụt đầu tư, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm ra các chính sách trong tương lai giúp bổ sung nguồn vốn đầu tư".

Để hỗ trợ các nước đối phó lạm phát gia tăng cũng như căng thẳng tài chính nghiêm trọng do nợ tăng cao, WB sẽ xây dựng một quỹ viện trợ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD kéo dài 15 tháng đến hết tháng 6 năm sau, với khoảng 50 tỷ USD mà WB đặt mục tiêu huy động trong ba tháng tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng lập Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST), một công cụ mới để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình ứng phó những thách thức dài hạn, với mục tiêu huy động ít nhất 45 tỷ USD và có hiệu lực từ ngày 1/5 tới. Gánh nặng nợ nần khiến nhiều quốc gia vốn đã chịu những khó khăn do đại dịch và xung đột, nay càng dễ bị tổn thương. Công cụ hỗ trợ mà các thể chế tài chính lớn đưa ra được hy vọng sẽ là liều thuốc giúp vực dậy các nền kinh tế dễ bị tổn thương.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/ganh-nang-no-cong-tai-cac-nuoc-dang-phat-trien-20220421233207516.htm

 

 

Theo VTV

 

.