Virus SARS-CoV-2 có thể gây "bùng nổ đột biến", Trung Quốc có số ca COVID-19 nhập cảnh cao nhất trong 2 năm
Đến sáng 26/2, thế giới có trên 433,16 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,95 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Đến nay, hơn 433,16 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP) |
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 80,47 triệu ca mắc và hơn 970.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 29.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng loại thuốc kháng thể điều trị COVID-19 Sotrovimab do các hãng dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh và Vir Biotechnology của Mỹ phát triển đối với những trường hợp nhiễm các biến thể có khả năng chống lại tác dụng của thuốc.
Trước đó, hãng dược của Mỹ đã thông báo, thuốc điều trị COVID-19 Sotrovimab có tác dụng trung hòa dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, hay còn gọi là biến thể "Omicron tàng hình". Tuy nhiên, một nghiên cứu khác gần đây cho thấy, biến thể phụ này có khả năng chống lại hầu hết các kháng thể đơn dòng được thử nghiệm, bao gồm cả Sotrovimab. Sotrovimab là một trong số ít các loại thuốc điều trị COVID-19 có khả năng chống lại biến thể Omicron gốc, khiến nhu cầu đối với loại thuốc này gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Truyền thông Mỹ đưa tin, biến thể Omicron dù được đánh giá là không gây bệnh COVID-19 nghiêm trọng nhưng thống kê lại cho thấy, nó gây ra nhiều ca tử vong hơn biến thể Delta ở Mỹ. Kể từ ngày 24/11/2021, khi Nam Phi lần đầu tiên thông báo về biến thể Omicron với Tổ chức Y tế Thế giới, Mỹ ghi nhận hơn 154.000 ca tử vong mới do COVID-19. Trong khi đó, khoảng thời gian diễn ra giai đoạn tồi tệ nhất với sự gia tăng biến thể Delta tại Mỹ (từ ngày 1/8 - 31/102021), nước này ghi nhận hơn 132.000 ca tử vong mới. Có thể nhận thấy, số ca tử vong trong làn sóng biến thể Omicron cao hơn số ca tử vong của làn sóng biến thể Delta trong cùng độ dài thời gian khoảng 17%. Các chuyên gia nhận định, số ca tử vong cao cho thấy điểm yếu chống dịch vẫn tồn tại ở Mỹ.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 25/2, nước này ghi nhận gần 10.400 ca mắc mới. Đến nay, tổng cộng trên 42,9 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 513.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Ngày 25/2, thủ đô New Delhi của Ấn Độ cho biết sẽ chấm dứt toàn bộ các hạn chế kiểm soát dịch COVID-19 - trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục giảm. Lệnh giới nghiêm ban đêm tại New Delhi sẽ được dỡ bỏ từ ngày 28/2. Học sinh sẽ đi học trực tiếp đầy đủ từ 1/4 tới khi năm học mới bắt đầu. Các nhà hàng, quán bar sẽ được hoạt động với 100% công suất. Mức phạt đối với người không đeo khẩu trang cũng được giảm một nửa, xuống chỉ còn 500 Rupee (gần 200.000 đồng).
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 648.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 28,67 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 25/2, nước này báo cáo trên 89.200 ca mắc COVID-19 mới.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech để tiêm mũi tăng cường cho người trên 12 tuổi. Trong tuyên bố, EMA cho biết, quyết định của các nước về thời điểm và liệu có tiêm mũi tăng cường cho những người từ 12 tuổi trở lên cần tính tới các yếu tố, trong đó có sự lây lan và diễn tiến nặng đối với nhóm người trẻ tuổi, cũng như nguy cơ về tác dụng phụ hiếm gặp đã được nêu ra, trong đó có viêm cơ tim. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường bằng vaccine của Pfizer-BioNTech cho thanh thiếu niên.
Cùng ngày, EMA cũng phê duyệt việc sử dụng thêm vaccine của Moderna để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6 - 11.
EMA đã phê duyệt vaccine Pfizer làm mũi tăng cường cho người trên 12 tuổi và vaccine Moderna cho trẻ từ 6 - 11 tuổi. (Ảnh: Reuters) |
Một nghiên cứu mới do Viện truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty của Australia đã phát hiện ra rằng, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể tăng tốc tiến hóa trong thời gian ngắn và tạo ra các biến thể mới nhanh hơn nhiều so với các virus khác. Nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Molecular Biology and Evolution (sinh vật về phân tử và sự tiến hóa) ngày 25/2, mô tả "sự bùng nổ đột biến" của virus này trước khi trở lại tỷ lệ đột biến "thông thường".
Nhà nghiên cứu hàng đầu Sebastian Duchene tại Đại học Melbourne và các cộng sự đã nghiên cứu hàng trăm trình tự gene của các biến thể nhằm tìm hiểu cơ chế khiến các biến chủng đáng lo ngại (VOC) như Delta hay biến thể Omicron xuất hiện. Ông cho biết: "Ban đầu, người ta cho rằng SARS-CoV-2 có thể đột biến theo tỷ lệ tiến hóa thông thường, nhưng trên thực tế virus này có khả năng tăng tốc tạm thời".
Nghiên cứu đã cho thấy, các biến thể thuộc loại VOC như Beta và Delta đã biến đổi nhanh hơn các biến thể trước, chỉ trong vài tuần thay vì vài tháng. Kết quả cũng cho thấy, "tỷ lệ thay thế" - tức là số biến thể mới trong mỗi dòng, sẽ biến đổi nhanh hơn 4 lần so với tỷ lệ để tạo ra 4 biến thể VOC trong nghiên cứu trên. Ví dụ, biến thể Delta xuất hiện chỉ trong 6 tuần so với biến thể trước đó.
Bộ Y tế Thái Lan cho biết, nước này đang đặt mục tiêu sớm coi đại dịch COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu. Theo đó, Bộ này sẽ công bố kế hoạch quản lý để đối phó với COVID-19 như là một bệnh đặc hữu với mục tiêu đưa ra sự thay đổi trong 4 tháng. Với hơn 90% người nhiễm biến thể Omicron không triệu chứng, Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch tăng tỷ lệ những người cách ly tại nhà từ 60% hiện tại lên 90%. Điều này sẽ giảm sức ép cho các bệnh viện.
Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao với hơn 24.932 ca vào ngày 25/2, tuy nhiên, số người tử vong ở mức thấp, 41 trường hợp.
Thủ đô Phnom Penh của Campuchia đang phải đối mặt với đợt lây nhiễm COVID-19 mới, đặc biệt là những ca nhiễm biến thể Omicron. Các cơ quan chức năng ở Phnom Penh đã nỗ lực kiềm chế số ca mắc ở trẻ em đang liên tục được ghi nhận và hơn 10 trường học trên địa bàn đã phải đóng cửa.
Đến nay, đã có hơn 500 học sinh tại thủ đô Phnom Penh bị nhiễm COVID-19. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, các nhà trường nên đẩy mạnh những nhóm học trực tuyến cho tới khi kiềm chế được đợt lây nhiễm mới có tốc độ lan rất nhanh này. Giám đốc Sở Giáo dục Phnom Penh Hem Sinareth cho biết, sau khi đợt dịch mới bắt đầu lan rộng từ ngày 10/1, trên địa bàn thủ đô đã có hơn 500 học sinh bị nhiễm biến thể Omicron và nguy cơ số ca mắc sẽ tăng rất cao do sự chủ quan và bất cẩn của một số phụ huynh học sinh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin ngày 25/2 cho biết, từ ngày 1/3, những người trưởng thành tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19, đã tiêm mũi tăng cường và không có triệu chứng vào ngày đầu tiên sẽ không phải cách ly.
Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Khairy nói, quy định mới được đưa ra dựa trên việc đánh giá nguy cơ để dần tiến đến giai đoạn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, ông cho biết, những người tiếp xúc gần thuộc diện không phải bắt buộc cách ly tại nhà (HSO) phải tự thực hiện test nhanh COVID-19 (RTK) vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 kể từ ngày cuối cùng họ tiếp xúc với F0. Sau đó, nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, người đó phải báo cáo kết quả qua ứng dụng MySejahtera và tự cách ly. Nếu kết quả âm tính vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3, người đó có thể tiếp tục mọi sinh hoạt như bình thường.
Nhật Bản sẽ nới lỏng những biện pháp nhập cảnh từ ngày 1/3 tới. (Ảnh: AP) |
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đăng thông báo cụ thể về các quy định mới nới lỏng những biện pháp nhập cảnh được áp dụng từ ngày 1/3 tới với cả người Nhật Bản hồi hương và người nước ngoài nhập cảnh vào nước này. Theo đó, người nhập cảnh từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trong diện chỉ định mà chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi tăng cường sẽ bắt buộc phải cách ly trong 3 ngày tại một cơ sở do cơ quan kiểm dịch chỉ định. Hết thời gian cách ly, nếu kết quả xét nghiệm PCR âm tính sẽ không phải tiếp tục cách ly tại nhà.
Người đến từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên đã tiêm mũi tăng cường sẽ chỉ phải tự cách ly trong 7 ngày tại nhà. Trong khi đó, người đến từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ ngoài diện chỉ định, đã được tiêm vaccine mũi tăng cường sẽ không phải thực hiện bất cứ biện pháp cách ly nào sau khi nhập cảnh.
Danh sách các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được chỉ định, được cập nhật thường xuyên trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Ngày 25/2, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho rằng, làn sóng dịch bệnh COVID-19 do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra ở nước này sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 3 tới với số ca nhiễm mới theo ngày có thể lên đến khoảng 250.000 ca.
Số ca mắc mới trong một ngày ở Hàn Quốc đã vượt 100.000 ca lần đầu tiên vào tuần trước và tăng vọt ở mức cao chưa từng thấy 171.452 trường hợp/ngày ghi nhận vào ngày 23/2 vừa qua. Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết, một số chuyên gia y tế còn nhận định, đỉnh dịch của làn sóng do biến thể Omicron gây ra lần này có thể đến sớm hơn dự kiến. Trước đó, ông trấn an người dân không nên quá lo lắng về số ca nhiễm mới theo ngày khi cho biết tỷ lệ tử vong và số bệnh nhân nặng đang được kiểm soát cùng những dữ liệu cho thấy biến thể Omicron ít gây bệnh nặng hơn.
Trung Quốc đại lục ngày 25/2 ghi nhận 142 ca mắc COVID-19 có triệu chứng là trường hợp nhập cảnh, mức cao nhất trong gần 2 năm qua, trong đó hầu hết đến từ đặc khu hành chính Hong Kong, vùng lãnh thổ đang vất vả ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, hơn 100 ca đến từ Hong Kong, trong đó có 47 người được phát hiện tại thành phố Thâm Quyến (miền Nam) và 51 ở Thượng Hải (miền Đông). Thủ đô Bắc kinh cũng ghi nhận 7 trường hợp đến từ Hong Kong.
Cũng trong ngày 25/2, Trung Quốc Đại lục ghi nhận 87 ca nhiễm nhập cảnh không triệu chứng và 82 ca lây nhiễm trong cộng đồng, không có ca tử vong mới.
Dữ liệu từ chính quyền Thâm Quyến cho biết, hàng chục tài xế xe tải đi lại giữa Thâm Quyến và Hong Kong đã có xét nghiệm dương tính trong tháng 2 này. Thành phố đã quyết định ngừng chính sách miễn cách ly đối với 882 tài xế liên tỉnh vi phạm quy định phòng dịch. Nhà chức trách cho biết sẽ lập chốt kiểm soát và sử dụng camera tại chỗ nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm quy định của tài xế.
Ngày 25/2, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần xây dựng quốc tế thuộc Nhà nước Trung Quốc để xây dựng 8 cơ sở cách ly và điều trị tạm thời nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp. Các cơ sở y tế tạm thời với tổng công suất 50.000 giường sẽ được xây dựng trên khắp Hong Kong, bao gồm cả trên các khu đất tư nhân được một số công ty bất động sản để chính quyền sử dụng khi cần.
Đặc khu Hong Kong theo đuổi mục tiêu “Zero COVID”, đưa số ca mắc trong cộng đồng về 0, từ con số gần 9.000 ca mắc mới mỗi ngày hiện nay. Hiện tình trạng biến thể Omicron lây lan mạnh đã làm hệ thống y tế của Hong Kong quá tải. Ngày 25/2, Hong Kong ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục 10.010 ca, đây là lần đầu tiên thành phố này thông báo số ca mắc bệnh mới ở mức 5 con số. Các nhà nghiên cứu của Đại học Hong Kong dự đoán, số ca mắc mới ở đặc khu này có thể sẽ lên mức đỉnh 180.000 trường hợp/ngày trong tháng 3 tới.
Trong những ngày qua, Hong Kong tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp tử vong là người già và trẻ nhỏ, chỉ một số ít trong đó đã tiêm ít nhất 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Ngoài ra, Cơ quan quản lý bệnh viện cũng cho biết, đã có khoảng 400-500 trẻ mắc COVID-19 được đưa đến các bệnh viện, con số lớn nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở khu hành chính này, vượt quá khả năng tiếp nhận của các bệnh viện.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/virus-sars-cov-2-co-the-gay-bung-no-dot-bien-trung-quoc-co-so-ca-covid-19-nhap-canh-cao-nhat-trong-2-nam-20220225122606717.htm
Theo VTV