Omicron ngày một lan rộng trở thành biến thể chủ đạo tại một số nước
Kể từ lần đầu tiên được thông báo vào tháng 11/2021, Omicron vẫn đang ngày một lan rộng ra thế giới và tiếp tục trở thành biến thể chủ đạo tại một số nước.
Tính đến sáng sớm 15/1, thế giới có 321,3 triệu ca mắc COVID-19 và 5,54 triệu trường hợp tử vong.
Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết, biến thể Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo ở nước này, khi gây ra 73,3% số ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc, so với 44,3% ghi nhận 7 ngày trước đó. Theo RKI, biến thể Delta hiện chỉ gây ra 25,9% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này. Viện trên cũng dự báo số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận hơn 81.000 ca mắc mới - con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, trong bối cảnh cơ quan quản lý khủng hoảng dịch COVID-19 của chính phủ nước này cảnh báo nguy cơ thiếu các bộ xét nghiệm.
Viện Y tế quốc gia (ISS) Italy cũng cho biết, Omicron là "thủ phạm" gây nhiều ca bệnh mới nhất ở nước này. Theo kết quả khảo sát nhanh ngày 3/1, Omicron đã gây ra 81% ca nhiễm mới ở Italy, cao gần gấp 4 so với cuộc khảo sát trước đó vào ngày 20/12/2021.
Trong khi đó tại CH Czech, nhà virus học Evžen Bouřa của Viện Hóa sinh và hóa hữu cơ thuộc Viện Hàn lâm khoa học CH Czech, cho rằng người dân nước này khó tránh lây nhiễm biến thể Omicron vì biến thể này có thể sẽ xuất hiện trở lại vào mùa Thu tới do miễn dịch mà mọi người đạt được sẽ kéo dài chưa đầy một năm.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại Thụy Điển - nơi đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ tư dịch COVID-19, chính phủ nước này thông báo Thủ tướng Magdalena Andersson có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong tháng này, nhiều lần Thụy Điển ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất từ trước đến nay, gây áp lực đối với hệ thống y tế, buộc nhà chức trách phải tái áp đặt nhiều hạn chế. Theo cơ quan y tế Thụy Điển, mô hình dự báo cho thấy số ca mắc mới COVID-19, hiện đang ở mức khoảng 25.000 ca/ngày, có thể đạt đỉnh vào cuối tháng này, lên tới gần 70.000 ca/ngày.
Dịch COVID-19 cũng đang lan rộng trên khắp Nhật Bản, đặc biệt ở các đô thị lớn và các khu vực có căn cứ quân sự của Mỹ. Cụ thể, trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở nước này lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 ca/ngày kể từ đầu tháng 9/2021. Đáng chú ý, thủ đô Tokyo ghi nhận tới 4.051 ca mắc mới - mức cao nhất kể từ ngày 27/8/2021. Điều này khiến số ca mắc mới trung bình ở Tokyo trong tuần (từ ngày 8-14/1) lên tới 1.950,4 ca/ngày, tăng gấp gần 6 lần so với một tuần trước đó.
Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới ở Nhật Bản là do biến thể Omicron. Sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới đang ảnh hưởng tới hệ thống y tế của nhiều khu vực. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với các nhân viên y tế được xác định có tiếp xúc gần với những người nhiễm Omicron từ 14 ngày xuống còn 6 ngày.
Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn cũng đang khiến Philippines phải đương đầu với đợt gia tăng số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Hôm qua, Chính phủ Indonesia đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 14 quốc gia có nhiều ca nhiễm biến thể Omicron. Giới chức Indonesia cho biết, nếu duy trì lệnh cấm nhập cảnh sẽ gây khó khăn cho các hoạt động di chuyển xuyên quốc gia vốn rất cần thiết để duy trì sự ổn định và phục hồi kinh tế.
Với việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh trên, Indonesia áp dụng quy định cách ly 7 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh kể từ ngày 12/1. Quy định cách ly nhập cảnh này được đưa ra dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học tại nhiều quốc gia, theo đó thời gian ủ bệnh trung bình của các ca nhiễm Omicron là ba ngày.
Sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Johnson & Johnson (Mỹ) để tiêm mũi tăng cường sẽ mang lại hiệu quả bảo vệ 85% trước nguy cơ nhập viện do nhiễm biến thể Omicron. Đây là kết quả nghiên cứu mới được Hội đồng nghiên cứu y khoa Nam Phi công bố ngày hôm qua.
Nghiên cứu thực hiện dựa trên các dữ liệu về số ca nhập viện là nhân viên y tế nhiễm COVID-19 trong làn sóng dịch thứ tư tại Nam Phi. Kết quả chỉ ra việc tiêm mũi tăng cường giúp giảm 65% nguy cơ nhập viện trong 2 tuần đầu sau tiêm và giảm đến 85% kể từ tuần thứ ba và đến tối đa là 2 tháng sau đó. Hội đồng nghiên cứu y khoa Nam Phi cho biết, đây là các thông tin đầu tiên trên thế giới về hiệu quả mũi tăng cường của vaccine Johnson&Johnson đối với biến thể Omicron.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/omicron-ngay-mot-lan-rong-tro-thanh-bien-the-chu-dao-tai-mot-so-nuoc-20220114230921647.htm
Theo VTV