Tiến triển của vaccine liệu có thể ngăn chặn COVID-19 và các biến thể?
Trong tuần qua, đã có những tin vui về tiến triển của vaccine COVID-19, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang điêu đứng vì sự lây lan của biến thể Delta.
Tác dụng lâu dài của vaccine công nghệ mRNA
Theo tờ The New York Times, vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna có thể tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể trong nhiều năm. Nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA, những người đã tiêm có thể không cần phải tiêm nhắc lại nếu virus không biến đổi đáng kể. Bên cạnh đó, người đã từng mắc COVID-19, sau đó tiêm vaccine mRNA thậm chí sẽ không cần tiêm nhắc lại, kể cả khi virus biến đổi.
Vaccine AstraZeneca: Liều thứ 2 có thể giãn cách hơn nữa, liều thứ 3 tăng cường khả năng miễn dịch tốt
Kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford, Anh phát hiện ra rằng, khoảng cách giữa liều thứ nhất và thứ 2 của vaccine AstraZeneca có thể tới 10 tháng mà vẫn tăng cường được phản ứng miễn dịch.
Trong khi đó, liều thứ 3 của vaccine này củng cố phản ứng miễn dịch rất tốt. Do đó, một số đối tượng như người cao tuổi, người có hệ thống miễn dịch suy giảm có thể cần tiêm liều vaccine củng cố. Những nước có đủ vaccine (như Anh) đã lên kế hoạch tiêm liều thứ 3 của vaccine Astra Zeneca trong mùa thu năm nay cho những người đã tiêm 2 liều vaccine này.
Trong tuần này, đã có những tin vui về các loại vaccine phòng COVID-19 đang được triển khai hiện nay. (Ảnh: AP) |
Indonesia áp đặt các biện pháp khẩn cấp lên hơn 60% dân số
Trong khi đón nhận tất cả những tin vui ấy từ các nghiên cứu về vaccine, chúng ta vẫn phải chứng kiến một thực tế dai dẳng rằng, COVID-19 vẫn đang "sống khá tốt". Tốc độ phủ vaccine hiện vẫn chưa thể đóng được "cái nắp" chặn SARS-CoV-2 lại.
Ngày 1/7, do sự lây lan của biến thể Delta, Tổng thống Indonesia đã phải công bố lệnh hạn chế khẩn cấp tại 2 đảo Java và Bali, nơi có hơn 60% dân số nước này sinh sống. Dòng người xếp hàng bên ngoài các ki-ốt bơm oxy y tế đã xuất hiện ở thủ đô Jakarta. Bệnh viện quá tải, nhiều bệnh nhân phải điều trị tại nhà, và đây là lý do vì sao người dân phải tự đi mua oxy. Hy vọng việc áp đặt các biện pháp hạn chế khẩn cấp sẽ tránh cho Indonesia trở thành một "Ấn Độ thứ hai".
Australia phong tỏa gần một nửa dân số
Từ ngày 30/6, gần một nửa dân số Australia, tương đương 12 triệu người, đã phải ở nhà theo lệnh phong tỏa của chính quyền các địa phương liên quan đến sự bùng phát dịch do biến thể Delta.
Những đám đông tụ tập, cổ vũ Euro 2020 là nguyên nhân xuất hiện hàng loạt ca mắc mới COVID-19 ở châu Âu. (Ảnh: AP) |
Scotland: Gần 2.000 ca mắc COVID-19 liên quan đến Euro 2020
Điều đáng lo ngại hơn nữa là ở những khu vực tưởng như đã phủ vaccine đủ để "mở tung cửa" trở lại như Liên minh châu Âu, Giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2020 đang trở thành một phép thử đầy rủi ro. Vụ việc mới đây nhất là Scotland đã ghi nhận gần 2.000 ca mắc mới COVID-19 liên quan đến Euro 2020.
Tỷ lệ tiêm chủng khá cao ở Tây Âu là cơ sở để quyết định vẫn tổ chức Euro 2020. Các nước có trận đấu diễn ra đã áp dụng những quy tắc phòng dịch, nhưng khác nhau, ví dụ ở Đức chỉ cho phép bán vé cho 20% tổng số chỗ ngồi trong sân, nhiều nước cho phép vào tới nửa sân, riêng Hungary không hạn chế.
Ngày 1/7, Tổ chức Y tế Thế giới đã yêu cầu các thành phố đăng cai Euro 2020 phải truy vết được khán giả, không chỉ khi họ tới sân xem đá bóng mà còn cả sau trận bóng. Tuy nhiên, đây là việc khó có thể thực hiện.
Đợt nắng nóng kỷ lục đang hoành hành ở Canada và Tây Bắc nước Mỹ. (Ảnh: AP) |
Nắng nóng kỷ lục tại Canada và Tây Bắc nước Mỹ
Trong tuần qua, miền Tây Canada và Tây Bắc nước Mỹ như những chảo lửa. Người dân ở những khu vực này khốn khổ vì nắng nóng kỷ lục. Tại Canada, cực Bắc của Bắc Mỹ, nơi có khí hậu ôn đới, đã có lúc nhiệt độ tăng lên mức cao kỷ lục 46,6°C. Còn tại Mỹ, kỷ lục nhiệt độ ghi nhận là 49,7°C. Số ca tử vong vì nắng nóng tại 2 quốc gia này đã lên tới gần 700 người.
Hiện tượng nắng nóng kỷ lục này đã được kết luận là do hiện tượng vòm nhiệt. Nhiều trang báo quốc tế giải thích, tình trạng này đơn giản như là một chiếc nồi áp suất. Lớp khí chìm xuống từ khí quyển Trái đất giống như một cái vòm giữ không khí nóng ở lại mặt đất. Không khí khi không thể bốc lên cao sẽ dẫn tới không có mưa. Lớp khí nóng ngày càng trở nên nóng hơn. Khối khí áp suất cao này kết hợp với đợt khô hạn kéo dài hút hơi ẩm từ mặt đất của phần lớn miền Tây nước Mỹ và Canada. Do đất khô, nó lại càng làm cho không khí nóng hơn.
Năm nay đã là năm thứ 7 liên tiếp nóng nhất trong lịch sử được ghi lại. Hiện tượng Trái đất nóng lên như vậy là không thể phủ nhận.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/tien-trien-cua-vaccine-lieu-co-the-ngan-chan-covid-19-va-cac-bien-the-20210702113253873.htm
Theo VTV