Trung Quốc lặng yên trước cuộc biểu tình hậu đảo chính ở Myanmar

Thứ Tư, 03/03/2021, 06:56 [GMT+7]

Siêu cường Trung Quốc tuyên bố rằng họ không muốn có bạo lực ở Myanmar (sau cuộc đảo chính quân sự tại đây vào đầu tháng 2/2021). Đến khi nổ ra vụ trấn áp biểu tình gây chết người ở đây vào hôm 28/2, về cơ bản Trung Quốc vẫn lặng thinh.

Biểu tình nổ ra rộng khắp ở nhiều nơi trên đất nước Myanmar vào hôm 28/2/2021, nhằm phản đối đảo chính quân sự và đòi khôi phục lại chính phủ dân bầu trước đó. Đáng lưu ý, nhiều nguồn tin quốc tế nói rằng lực lượng vũ trang Myanmar hôm đó đã sử dụng đạn thật, dẫn tới việc ít nhất 18 người biểu tình thiệt mạng (và khoảng 30 người biểu tình khác bị thương).

1
Cảnh sát Myanmar trấn áp biểu tình hôm 28/2. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc một mặt vốn tuyên bố phản đối bạo lực ở Myanmar, mặt khác cho tới nay vẫn tránh chỉ trích quân đội Mynamar – lực lượng vừa chấp chính sau một cuộc đảo chính nhanh gọn và bất ngờ. Trên thực tế, truyền thông và giới chức Trung Quốc không đề cập tình trạng đổ máu (nhiều thương vong) trong loạt biểu tình hôm 28/2.

Vận công để không rơi vào thế chọn bên

Với động thái không phản ứng, Bắc Kinh muốn tỏ ra không nghiêng về bên nào trong các cuộc xung đột giữa giới quân sự Myanmar và người dân nước này.

Ngày 26/2, tại một phiên họp không chính thức của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bàn về tình hình ở Myanmar, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân đã thể hiện rõ quan điểm của Trung Quốc: “Những gì xảy ra ở Myanmar về thực chất là vấn đề nội bộ của Myanmar”.

Tuy nhiên ông Trương bày tỏ sự tiếp tục quan tâm của Trung Quốc đối với bên trung gian hòa giải quốc tế, đó có thể là ASEAN, Liên Hợp Quốc, hoặc bản thân Trung Quốc. Ông này cho biết thêm, Bắc Kinh đã giao thiệp với các bên liên quan ở Myanmar để hỗ trợ thúc đẩy hơn nữa việc “làm giảm leo thang căng thẳng và khôi phục lại trạng thái bình thường trước đó”.

Đáng lưu ý ông Trương cẩn thận lựa chọn từ ngữ để không thể hiện Trung Quốc nghiêng về phương án nào trong giải quyết tình hình căng thẳng ở Myanmar. Điều này khác biệt rõ nét với các chính quyền phương Tây. Chẳng hạn, một tuyên bố của các ngoại trưởng nhóm G-7, đã “lên án cuộc đảo chính ở Myanmar”  và kêu gọi “thả ngay lập tức và vô điều kiện những người bị bắt giữ một cách võ đoán, bao gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint”.

Có thể Trung Quốc cũng mong đảng Liên minh Dân chủ vì Tự do (NLD) quay trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, chính sách lâu dài của họ vẫn là không can thiệp và do vậy, cho tới nay họ chưa đưa ra bất tuyên bố cứng rắn nào nhằm vào cuộc đảo chính.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có các lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế ở Myanmar. Trung Quốc hy vọng sẽ tiếp tục xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar nhằm có thêm lựa chọn trong cách tiếp cận Vịnh Bengal. Việc làm phật lòng giới cầm quyền hiện nay tại Myanmar có thể khiến các lợi ích này của Trung Quốc bị đe dọa.

Các yếu tố trên có lẽ là nguyên nhân khiến Trung Quốc nỗ lực trung lập đến từng chi tiết trước các diễn biến mới xảy ra ở quốc gia nằm về phía tây nam của họ. Cả giới chức lẫn truyền thông Trung Quốc đến nay vẫn kiềm chế để không gọi cuộc chính biến đó là một cuộc đảo chính quân sự. (Bản thân giới lãnh đạo quân sự Myanmar cũng bác bỏ cách gọi sự kiện này là đảo chính).

Thế khó của thái độ trung lập

Mặc dù không tỏ ra nghiêng về một bên nào trong xung đột nội bộ vừa qua ở Myanmar, Đại sứ Trương Quân vẫn bày tỏ một nguyện ước trong tuyên bố của mình, đó là chấm dứt bạo lực. Ông Trương nói như sau: “Tất cả các bên cần duy trì bình tĩnh và kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng bạo lực, nhằm ngăn ngừa đổ máu”.

Nhưng nguyện ước trên đã tan vỡ vào ngày 28/2 – ngày đẫm máu nhất kể từ khi đảo chính nổ ra vào ngày 1/2/2021. Ít nhất 18 người tử vong và khoảng 30 người khác bị thương trong loạt đụng độ hôm đó ở Myanmar.

Trong cuộc họp báo hôm 1/3, khi được hỏi về vấn đề này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã không trực tiếp đề cập các ca tử vong do trấn áp biểu tình. Ông Uông chỉ lướt qua vấn đề đó bằng cách bình luận rằng “hạ nhiệt tình hình ở Myanmar là một ưu tiên hàng đầu và cũng là sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế”.

Phát ngôn viên Uông Văn Bân nói tiếp: “Trung Quốc đang theo dõi sát sao tình hình hiện nay ở Myanmar và hy vọng các bên sẽ tính đến muc tiêu dài lâu là phát triển và giữ ổn định đất nước, thực hành kiềm chế, xử lý hợp lý các khác biệt dựa trên Hiến pháp và khung pháp lý, duy trì ổn định chính trị và xã hội”.

Vẫn lời ông Uông: “Cộng đồng quốc tế nên tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc của Myanmar, giúp các bên liên quan ở Myanmar tham gia đối thoại và hòa giải theo nguyện vọng và lợi ích của nhân dân Myanmar, xử lý hợp lý các khác biệt, duy trì ổn định chính trị và xã hội, giải quyết các vấn đề nổi bật thông qua phương thức hòa bình, và tiếp tục thúc đẩy chuyển đối dân chủ trong nước một cách có trật tự”.

Một số nhà phân tích quốc tế cho rằng nếu một cường quốc lớn cố gắng im lặng tối đa về cuộc đảo chính thì đấy có thể là dấu hiệu ngầm ủng hộ một bên nào đó./.

Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trung-quoc-lang-yen-truoc-cuoc-bieu-tinh-hau-dao-chinh-o-myanmar-840543.vov

 

 

Theo Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch

 

.