Trump đứng trước 2 lựa chọn khó khăn sau đòn thù của Iran
Khác xa với việc ngăn chặn một cuộc chiến như cam kết của Tổng thống Trump, loạt vụ không kích của Iran có thể đã khơi mào một cuộc chiến thực sự.
Một loạt các vụ không kích bằng tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq đã đẩy nhanh chu kỳ leo thang căng thẳng, có nguy cơ khiến Washington và Tehran rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện. Câu hỏi đặt ra là Tổng thống Trump, người đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, giữa một bên là sự chỉ trích cho rằng ông yếu đuối với một bên muốn ông mạo hiểm dấn thân vào cuộc chiến mới tại Trung Đông, sẽ phản ứng như thế nào?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và tướng Iran Qassem Soleimani. Ảnh: AP. |
Hai kịch bản tiềm năng
Giới phân tích cho rằng, khác xa với việc ngăn chặn một cuộc chiến như cam kết của ông chủ Nhà Trắng, loạt vụ không kích này có thể đã khơi mào một cuộc chiến thực sự. Nếu không bên nào chịu nhượng bộ, nước Mỹ có thể đứng bên bờ vực của cuộc chiến tranh với Lực lượng cách mạng Iran sau hơn 40 năm xung đột ủy nhiệm, với những lời tuyên bố cay nghiệt dành cho nhau và cả những cuộc tiếp xúc ngoại giao ngắn ngủi.
Một cuộc chiến với Iran có thể khiến đời sống chính trị tại Mỹ trở nên tồi tệ hơn, trong bối cảnh Tổng thống Trump đang phải đối mặt phiên tòa luận tội tại Thượng viện và phải dốc sức cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2020. Không những vậy, cuộc chiến này có thể khiến Trung Đông bùng cháy dữ dội hơn cả cuộc chiến Iraq, kích động phe thân Iran tấn công các mục tiêu của Mỹ và đồng minh, cản trở chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Giữa lúc đồng minh truyền thống cực lực phản đối chính sách gây sức ép tối đa của chính quyền Tổng thống Trump với Iran, nước Mỹ có khả năng đơn độc trong cuộc chiến này.
Kịch bản khác là mỗi bên cân nhắc giữ thể diện và lùi lại khỏi “điểm sôi” của cuộc đối đầu đang có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát. Một bước lùi như vậy sẽ không thể tháo gỡ căng thẳng. Nếu trường hợp này xảy ra, nhiều khả năng Iran sẽ tìm cách hất lực lượng Mỹ ra khỏi khu vực và Washington sẽ tăng gấp đôi áp lực chính trị, kinh tế và ngoại giao với Tehran. Tuy nhiên, điều đó sẽ giúp ngăn chặn được một cuộc chiến mà cả hai bên đều không mong muốn xảy ra.
Ông Trump sẽ phản ứng thế nào?
Hiện giờ, Tổng thống Trump có 2 sự lựa chọn. Trước hết, ông có thể tiếp tục làm theo những lời đe dọa mà ông đã đưa ra, tiến thêm một bước trong chu kỳ leo thang căng thẳng với lời cảnh báo là hành động quân sự “không tương xứng”. Lấy lý do Iran bắn tên lửa vào người Mỹ từ lãnh thổ của nước này, Mỹ sẽ tấn công vào lãnh thổ Iran. Và như vậy, Iran sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến tranh toàn diện với Mỹ. “Nếu Iran làm bất cứ điều gì mà họ không nên làm, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng”, ông Trump nói với các phóng viên trong Phòng Bầu Dục hôm 7/1.
Tuy nhiên, mọi hành động sẽ phụ thuộc vào cách Mỹ đánh giá cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào căn cứ không quân al-Asad ở phía Tây thủ đô Baghdad và căn cứ Erbil ở khu tự trị người Kurd, miền bắc Iraq. Ông Trump có thể lựa chọn chấp nhận cách chơi của Iran vì nước này đáp trả một cách kiềm chế trước vụ sát hại Tướng Soleimani và kìm hãm cơn thịnh nộ của quân đội Mỹ.
Nhưng Tổng thống Trump chẳng bao giờ chịu lùi bước. Phương châm của ông là khi anh bị tấn công, hãy đáp trả mạnh mẽ hơn - triết lý dường như đã được thể hiện thông qua vụ không kích sát hại Tướng Soleimani, vốn khiến một số quan chức trong chính quyền Trump cũng phải bất ngờ. CNN dẫn một nguồn thạo tin cho biết: “Tổng thống Trump đã đặt ra tiêu chuẩn rằng ông ấy sẽ thực hiện sự trả đũa ồ ạt. Nếu thất bại để làm điều này thì ông ấy sẽ bị cho là yếu đuối”.
Khoảng lặng tạm thời
Tuy nhiên vào thời điểm mà nền chính trị Mỹ đang bị cuốn vào các cuộc tranh luận đầy rối ren, Tổng thống Trump có thể bị kéo đi theo hướng khác. Định hướng của ông Trump vẫn là rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi các vùng nguy hiểm ở bất cứ nơi đâu. Nhà lãnh đạo Mỹ coi việc triển khai quân đội tại nước ngoài là một sự lãng phí tiền của. Ông đã cam kết với những người ủng hộ trung thành rằng ông sẽ khác so với những người tiền nhiệm đã khiến các lực lượng Mỹ bị mắc kẹt ở nước ngoài, đặc biệt là Iraq. “Chúng ta không muốn mắc kẹt ở đó mãi mãi, chúng ta muốn có thể thoát khỏi đó. Tôi chưa từng muốn ở đó, thành thật mà nói”, ông Trump từng chia sẻ. Gạt qua mọi đồn đoán, Mỹ không hề trả đũa ngay lập tức vụ tấn công của Iran ngày 8/1. “Giờ là thời điểm phải kiên nhẫn và kiềm chế”, một quan chức cấp cao của chính quyền cho biết.
Tổng thống Mỹ dường như đang lan tỏa niềm tin rằng không có binh sĩ Mỹ nào thiệt mạng trong vụ tấn công, mặc dù chưa có báo cáo thương vong từ phía Iraq. Điều này sẽ giúp ông Trump có cái cớ hợp lý để tránh một cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn đối với Iran.
Giới quan sát cho rằng, ông Trump rất sáng suốt khi quyết định không đưa ra bài phát biểu tại phòng Bầu dục ngay sau khi các tin tức về cuộc tấn công của Iran được đưa ồ ạt. Động thái không ngoan này đã khiến ông có thêm nhiều thời gian để cân nhắc các lựa chọn và tránh việc đặt cược quá nhiều vào một hành động chưa có sự suy xét kỹ lưỡng.
Tướng nghỉ hưu Mark Hertling đã đưa ra lời khuyên rằng “nên kiềm chế”, viện dẫn một bài học từ lịch sử quốc gia. “Thật dễ dàng để rơi vào và bắt đầu một cuộc chiến, nhưng kiềm chế bản thân khỏi nó mới là việc khó làm”, ông Hertling cho biết. Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Menendez ngày 7/1 cũng thúc giục ông Trump “lùi lại một bước” trước khi quá muộn. “Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng, khi mà chúng ta vẫn có cơ hội nhận thức về trách nhiệm và theo đuổi các kênh ngoại giao. Người dân Mỹ không quan tâm đến việc tham gia vào một cuộc chiến bất tận khác ở Trung Đông mà không có mục tiêu hay chiến lược rõ ràng”, ông Robert Menendez nói.
Hệ quả chính trị
Một câu hỏi quan trọng trong những ngày tới là liệu Tổng thống Trump có thể đoàn kết các phe phái chính trị của nước Mỹ nếu tình hình trở nên xấu hơn. Đã có nhiều cuộc tranh cãi gay gắt tại Quốc hội về việc chính quyền từ chối tiết lộ thông tin tình báo mà ông Trump đưa ra, trong đó chứng minh Tướng Soleimani đang lên kế hoạch “tấn công” các lực lượng Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói với CNN rằng, thông tin tình báo thu được còn “mỏng hơn cả dao cạo”, song vẫn cho rằng việc thu thập hồ sơ về nhân vật này đã cho thấy rõ ý định của ông ta. Từng có câu hỏi đặt ra là, nếu chính quyền ông Trump sử dụng các thông tin không đầy đủ như một cái cớ để loại bỏ ông Soleimani, trong khuôn khổ chính sách chống Iran, thì điều này có dẫn đến những rủi ro lớn hay không.
Khi đáp trả vụ không kích sát hại Tướng Soleimani, Iran đã áp dụng cách thức gây sức ép đối với Tổng thống Trump, có lẽ với niềm tin rằng ông không muốn ghi dấu ấn trong lịch sử bằng cách phát động 1 cuộc chiến. Căn cứ không quân al-Asad rất quen thuộc đối với Tổng thống Trump, đây là nơi ông đã đặt chân trong chuyến đi tới Iraq vào tháng 12/2018. Phía Iran cũng nhấn mạnh rằng phản ứng của họ là tương xứng và họ không có ý định châm ngòi cho một cuộc chiến tranh./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trump-dung-truoc-2-lua-chon-kho-khan-sau-don-thu-cua-iran-998478.vov