"Cái chết" của mối quan hệ Mỹ-Iraq có giúp Iran gia tăng ảnh hưởng?
Tướng Iran Soleimani không phải là nạn nhân duy nhất trong cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad, mà còn có một “cái chết” khác, đó là mối quan hệ Mỹ-Iraq.
Cuộc không kích sát hại Tướng Iran Qassem Soleimani ở Baghdad là hành động leo thang lớn nhất trong cuộc xung đột Mỹ và Iran. Tuy nhiên, cuộc không kích của Mỹ bên trong lãnh thổ Iraq cũng gây ra một “cái chết” khác: “cái chết” cho quan hệ Mỹ-Iraq. Liên minh với cả Mỹ và Iran, Iraq giờ đây nhận thấy mình dường như chỉ là “trận địa” cho 2 bên đối địch này.
Người biểu tình Iran mang ảnh Tướng Qassem Soleimani – người bị sát hại trong cuộc không kích của Mỹ ở sân bay Baghdad, Iraq. Ảnh: Reuters |
Iraq từ lâu không còn “mặn mà” với Mỹ
Tình trạng “thất thường” trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iraq đã thấy rõ thậm chí từ trước khi Mỹ sát hại Tướng Soleimani ngày 3/1 hay khi hàng trăm người ủng hộ lực lượng dân quân thân Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Vùng Xanh ngày 31/12.
Những hình ảnh như vậy sẽ khó có thể tưởng tượng ở thời điểm năm 2009, khi mà Đại sứ quán Mỹ khánh thành cơ sở hiện nay bên bờ sông Tigris. Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad là lớn nhất trên thế giới, với diện tích 104 mẫu (tương đương 42 hecta) và gần 12.000 người. Nó là biểu tượng cho hy vọng lớn từ cả Mỹ và Iraq về mối quan hệ giữa 2 nước.
Danh tiếng của Mỹ đã bị ảnh hưởng sau khi đưa quân tới Iraq năm 2003, nhưng đã phục hồi phần nào sau việc tăng quân năm 2007 để đánh bại Al-Qaeda ở Iraq và giúp chấm dứt cuộc nội chiến ở nước này.
Đến năm 2009, các lực lượng Mỹ đã chuyển giao trách nhiệm cho các lực lượng an ninh Iraq và người Iraq hy vọng rằng đất nước của họ đang đi đúng hướng. Nhưng mọi thứ dường như không như mong muốn.
Vấn đề bắt đầu từ sau cuộc bầu cử năm 2010. Cả Mỹ và Iran đều ủng hộ Thủ tướng Nuri al-Maliki tranh cử nhiệm kỳ 2, mặc dù liên minh của ông không giành được đa số phiếu. Tuy nhiên, ông Maliki tiếp tục theo đuổi các chính sách sắc tộc gây tranh cãi – yếu tố khiến IS nổi lên từ tàn dư của al-Qaeda ở Iraq.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hy vọng sẽ duy trì lực lượng Mỹ còn lại ở Iraq, nhưng đã thất bại khi đàm phán một thỏa thuận an ninh mới khi Thỏa thuận lúc bấy giờ hết hạn vào năm 2011, dẫn đến việc rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Iraq.
IS đã tận dụng bối cảnh rối ren đó và đến năm 2014, tổ chức khủng bố này đã kiểm soát được hơn 1/3 lãnh thổ Iraq. Thời điểm này, Mỹ đưa lực lượng trở lại Iraq theo đề nghị của Thủ tướng mới Haydar Abadi với nhiệm vụ hỗ trợ cuộc chiến chống IS và huấn luyện, cố vấn cho các lực lượng Iraq.
Trong số các lực lượng từng chiến đấu chống IS ở Iraq cùng Mỹ, có Kataib Hezbollah (KH), một nhóm dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn. Nhóm này đã chính thức gia nhập lực lượng an ninh Iraq thông qua Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF). Tuy nhiên một khi kẻ thù chung được đánh bại, KH đã thay đổi quan điểm đối với lực lượng Mỹ ở Iraq – và hướng tới Iran.
Khi Mỹ không kích căn cứ dân quân thân Iran ngày 29/12, khiến 24 người thiệt mạng, giới chức Iraq đã chỉ trích Mỹ vi phạm chủ quyền. Tuy nhiên, khi cuộc không kích của lực lượng dân quân khiến nhà thầu Mỹ thiệt mạng 2 ngày trước đó lại vấp phải rất ít chỉ trích và nhanh chóng lắng xuống. Thậm chí, khi nhóm này cùng những người ủng hộ tấn công Đại sứ quán Mỹ ngày 31/12, chính quyền Baghdad dường như bất lực và chỉ còn cách cầu xin họ rút lui.
Sau 2 ngày biểu tình, lãnh đạo các nhóm dân quân thân Iran yêu cầu những người biểu tình về nhà, tuyên bố rằng họ đã có được sự ủng hộ của Thủ tướng Adel Abdul Mehdi về việc thúc đẩy cơ sở pháp lý nhằm “đuổi” lực lượng Mỹ khỏi Iraq.
“Cái chết” cho mối quan hệ với Iraq, Mỹ đã chuẩn bị sẵn?
Hai ngày sau cuộc không kích giết chết tướng Iran trên lãnh thổ Iraq, ngày 5/1 các nghị sỹ Iraq thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc, đề nghị chính phủ Iraq trục xuất các binh sỹ nước ngoài, hủy đề nghị viện trợ quân sự từ liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Tổng thống Trump dù nhiều lần tuyên bố ý định rút lính Mỹ khỏi khu vực nhưng đã ngay lập tức đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh rằng, Iraq có thể sẽ phải đối mặt với những đòn trừng phạt nặng nề không kém gì Iran nếu Baghdad trục xuất các binh sỹ Mỹ mà không trả tiền Mỹ đã chi cho các căn cứ quân sự ở Iraq.
“Chúng ta có các căn cứ không quân vô cùng đắt đỏ ở đó, tiêu tốn của nước Mỹ hàng tỷ USD xây dựng, từ rất lâu trước thời của tôi. Chúng ta sẽ không rời đi cho đến khi họ trả [tiền-ND] cho chúng ta”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không Lực Một ngày 5/1.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump có thể đã lường trước được rằng sẽ khó có thể duy trì sự hiện diện ở Iraq thêm nữa, đặc biệt là trong năm 2020 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống.
Không phải ngẫu nhiên mà một “lá thư nhầm lẫn” bất ngờ xuất hiện ngay ngày hôm sau, với hàm ý nói rằng lực lượng Mỹ sẽ rời khỏi Iraq.
Lá thư của tướng Thủy quân lục chiến Mỹ William Seely, tư lệnh liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria gửi Tướng Iraq Abdul Amir Yarallah xuất hiện ngày 6/1 có đoạn viết: “Để tôn trọng chủ quyền của Cộng hòa Iraq, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và Thủ tướng Iraq, liên quân sẽ cơ động các lực lượng trong những ngày tới và những tuần tới để chuẩn bị cho động thái tiếp theo”.
Dù vậy, ngay sau đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói rằng bức thư chỉ là bản nháp, chưa được ký tên và bị gửi nhầm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng khẳng định “chưa có quyết định rời khỏi Iraq ở thời điểm này".
Với nhiều người Mỹ, các cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad ngày 31/12 gợi lại ký ức về sự kiện Tehran năm 1979, khi nhóm người Iran tràn vào Đại sứ quán Mỹ và bắt các nhà ngoại giao Mỹ làm con tin; ở Benghazi năm 2012 khi nhóm phiến quân Libya sát hại Đại sứ Mỹ Christopher Stevens.
Mỹ đã đóng cửa lãnh sự quán ở Basra và giảm số nhân viên ở Baghdad cũng như lãnh sự quán ở Erbil do lo ngại mối đe dọa từ các lực lượng thân Iran. Đóng cửa Đại sứ quán ở Baghdad có thể sẽ là cái kết không mong muốn đối với mối quan hệ của Mỹ với Iraq - một nước mà Washington đã đầu tư khá nhiều tiền của và đổ máu cũng không ít. Tuy nhiên, với việc sát hại Tướng Soleimani, chính quyền Trump đang khiến cho kịch bản này ngày càng khả thi hơn.
Iran mất 1 tướng, đổi lại bằng ảnh hưởng gia tăng ở Iraq?
Vụ sát hại Tướng Soleimani là phát súng nhằm vào Iran, nhưng có thể đẩy nhanh mục tiêu của Iran: "đuổi" lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq.
Các nhà lãnh đạo Iran coi ảnh hưởng ở Iraq là thiết yếu đối với sự tồn tại chính trị của mình, một “lá phổi” kinh tế để xoa dịu làn sóng trừng phạt và một nguồn cung cấp hậu cần đường bộ quan trọng, kết nối với chính quyền Syria và Hezbollah ở Lebanon.
Trong khi đó, Mỹ dường như không có chính sách nào dành cho Iraq ngoài việc coi nước này là căn cứ chống Iran.
“Tôi từng nói chuyện với vài người bạn [ở Bộ Ngoại giao-ND] và biết rằng Mỹ chẳng có giải pháp nào giúp Iraq phát triển theo chiều hướng tốt hơn. Vụ sát hại Tướng Iran chỉ là bước đi chiến thuật nhắm vào Iran mà không có chiến lược mang tính khu vực”, Kenneth M. Pollack, cựu nhân viên CIA, hiện là chuyên gia về Iraq và Iran tại Viện nghiên cứu chính sách công (AEI) của Mỹ đánh giá.
Ngược lại, Iran vẫn là yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng nhất ở Iraq, với mối quan hệ khá sâu sắc với giới chính trị Iraq cũng như các nhóm dân quân Shiite và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng.
“Mỹ chỉ có một màu, là màu sắc quân sự. Đó là tất cả những gì mà họ đầu tư tiền bạc vào Iraq. Nhưng Iran có rất nhiều màu sắc, từ chính trị, văn hóa, tới tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác”", Qais al-Khazali, một lãnh đạo dân quân thân Iran, cho biết.
Cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad khiến nhiều người Iraq nhận ra mục tiêu của chính quyền Washington không phải sự ổn định của Iraq mà là Iran.
“Kết quả chắc chắn của cuộc không kích là kỷ nguyên của sự hợp tác giữa Mỹ và Iraq đã chấm dứt. Sự hiện diện về ngoại giao và quân sự của Mỹ sẽ kết thúc bởi Iraq yêu cầu chúng tôi rời đi. Điều này giúp Iran gia tăng ảnh hưởng với Iraq”, RichardHaass, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ ngoại giao nhận định./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN
Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cai-chet-cua-moi-quan-he-myiraq-co-giup-iran-gia-tang-anh-huong-997951.vov