Tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp
Điện Biên TV - Ngày 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp, Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Thực hiện Luật Giám định tư pháp, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Đến nay, cả nước có 580 tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện trên 1 triệu vụ việc ở các lĩnh vực chủ yếu theo trưng cầu của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Hội nghị đã đánh giá toàn diện kết quả, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra 9 giải pháp, 3 kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp. Đồng thời, Bộ Tư pháp có 5 đề xuất, kiến nghị Chính phủ đối với Đề án 250 nhằm tiếp nối, phát huy những kết quả đã đạt được trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định.
Phát biểu tại điểm cầu Điện Biên, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đồng tình cao với Báo cáo kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250. Đồng chí cũng thông qua những kết quả triển khai, thực hiện Luật, Đề án tại Điện Biên. Cụ thể, tỉnh đã triển khai thực hiện tập trung vào 3 nội dung lớn: Tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện; hoàn thiện thể chế; tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy. Đồng thời, nêu lên những kiến nghị đề xuất về việc tập huấn, đào tạo cũng như sửa đổi chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giám định.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương để hoàn thiện báo cáo, từ đó làm cơ sở để nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp, quy chuẩn giám định.
Nguyễn Hằng - Đức Trung/DIENBIENTV.VN