Muôn vàn kiểu lừa đảo trên mạng

Thứ Bảy, 15/01/2022, 19:28 [GMT+7]

Môi trường mạng đang là môi trường lý tưởng cho những kẻ lừa đảo ẩn nấp. Nạn nhân có thể bị chiếm dụng không chỉ tiền mà cả tài khoản mạng xã hội của mình.

1

Biết được ngân hàng mình đang sử dụng vẫn báo tin nhắn "đang thực hiện giao dịch" mặc dù trong tài khoản không có đủ tiền, đối tượng Đặng Công Khanh (SN 1992, quê ở TP Vũng Tàu) đã nảy sinh ý định lừa đảo.

Y đặt mua điện thoại, laptop, Ipad, máy ảnh… thông qua mạng xã hội, trị giá mỗi món hàng lên đến 30-40 triệu đồng. Sau đó, y gửi cho người bán xem tin nhắn đầu tiên của ngân hàng là "đang thực hiện giao dịch" để người bán giao hàng. Nhưng thực tế, tài khoản y không đủ tiền và lệnh chuyển khoản sau đó không được thực hiện.

Với thủ đoạn này, Khanh đã lừa đảo trót lọt 4 vụ với tổng số tiền gần 90 triệu đồng. Cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Phạm Vũ Quang Trường (20 tuổi) trú tại xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang mới đây đã bị Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng. Bước đầu Trường khai nhận, tự lên mạng tìm hiểu các phương thức hỗ trợ dịch vụ Facebook như: Quảng cáo bán hàng; hỗ trợ tăng Like, Follow, lấy lại tài khoản quên mật khẩu… để thu tiền phí. Từ đó, Trường chiếm dụng luôn quyền sử dụng Facebook của khách hàng rồi mạo danh chủ tài khoản Facebook để nhắn tin vay, mượn tiền. Trường đã chiếm dụng trên 400 tài khoản Facebook để lừa đảo hơn 10 tỷ đồng.

Vào thời điểm cuối năm, đặc biệt trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều người có nhu cầu thực hiện các giao dịch trên mạng để mua sắm, nhất là sau nhiều đợt giãn cách, người dân gặp khó khăn về kinh tế nên có tâm lý vội vàng tìm kiếm cơ hội việc làm hoặc có thêm thu nhập. Nhiều đối tượng đã lợi dụng thời điểm này tung ra các trang web, ứng dụng, tin nhắn... lừa đảo. Đã có người mắc bẫy, thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng.

Lừa đảo kiếm tiền trên mạng

Nhân lúc rảnh rỗi, công việc giảm thu nhập, chị Hà Thị Thu Hiền (Hà Nội) lướt web tìm việc làm trên mạng để tăng thu nhập. Chị quyết định đầu tư vào tiền điện tử. Chỉ cần ban đầu 5 USD, khoảng hơn 100.000 VNĐ, có thể kiếm gầp 2-3 lần giá trị của tiền điện tử. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tháng tăng vốn đầu tư lên tới tiền triệu, chị đã mất hoàn toàn số tiền.

Đã từng mất tiền khi mua tài khoản Netflix ở trên mạng, tài khoản tự động bị khóa khi đang xem. Do vậy lần này anh Hoàng Văn Việt (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) cẩn trọng hơn khi tìm việc làm trên mạng. Nhiều lời mời gọi chỉ cần ở nhà xem quảng cáo, đọc báo hàng ngày, ấn nút thích, anh có thể kiếm 2,4 triệu/ngày. Điều kiện tham gia là nộp 250 nghìn.

"Thấy có vẻ nghi ngờ, tôi đã up thông tin lên Facebook hỏi bạn về trang web này, bạn tôi bảo, đó là lừa đảo, bạn tôi cũng đã từng bị lừa như vậy" - anh Việt cho hay.

Còn nhiều trang web, ứng dụng, mạng xã hội có nội dung lừa đảo đã xuất hiện như: yêu cầu người dùng chỉ cần xem mỗi ngày tối thiểu 10 video, mỗi video 10 giây, ấn nút like là có tiền. Thủ đoạn của các đối tượng là kêu gọi người dùng nộp khoản ban đầu khoảng 200 nghìn đồng phí mở tài khoản tham gia. Nhưng sau vài hôm, ứng dụng, trang web bị khóa, không thể xem và rút lại tiền.

Hiện tại, những trang web như: videokiemtien.com, "Tiktok bonus", Ứng dụng thực hiện 4 nhiệm vụ ảo đã bị đóng. Vì nghĩ số tiền mất cũng không nhiều 200-300 nghìn nên nhiều người bỏ qua. Nhưng với hàng nghìn người, thiệt hại sẽ không hề nhỏ. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dùng cần tuyệt đối cảnh giác với những lời mời tham gia các chương trình kiếm tiền qua mạng.

Người lớn nhiều kinh nghiệm sống còn bị các đối tượng lừa đảo huống chi là các em học sinh. Trong bối cảnh ở nhà để tránh dịch, học trực tuyến trên mạng triền miên thì giờ đây các em học sinh chính là đối tượng bị các tội phạm mạng hướng đến.

Biến tướng hình thức lừa đảo qua mạng xã hội

Gần chục bộ máy tính, máy in, máy scan là tang vật của những vụ lừa đảo. Theo lời kể từ người thân của một số nạn nhân, cách đây ít lâu qua Zalo và Facebook, con em họ đã nhận được những thông tin thông báo trúng thưởng hoặc tặng quà là những chiếc điện thoại thông minh đắt tiền. Nhẹ dạ, cả tin, các em đã giấu cha mẹ liên tục chuyển tiền vào một tài khoản để thanh toán cho các khoản lệ phí nhận giải.

Nhận được tin trình báo, chỉ sau chưa đầy 24h đồng hồ điều tra, Công an quận Hà Đông đã tìm ra thủ phạm, bắt giữ 6 đối tượng tượng, độ tuổi từ 18-29 đều quê Hải Dương. Tại cơ quan công an, các đối tượng này khai nhận, do cần tiền ăn chơi và nắm được tâm lý thích dùng điên thoại thông minh của học sinh nên đã phối hợp với nhau nghĩ ra các chiêu trò để lừa đảo.

Kết quả điều tra bước đầu, cơ quan công an xác định, các đối tượng này đã lập ra nhiều tài khoản trên mạng xã hội, đăng tải thông báo tặng quà, trúng thưởng điện thoại thông minh đắt tiền để thực hiện hành vi lừa đảo. Hơn chục nạn nhân của chiêu trò này đã bị mắc lừa với tổng số tiền lên tới hơn 200 triệu đồng.

Thượng tá Nguyễn Minh Khang - Phó Trưởng Công an quận Hà Đông, Hà Nội - cho biết: "Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng điều tra để xác định cụ thể xem có tất cả bao nhiêu bị hại và số tiền các đối tượng đã lừa đảo là bao nhiêu để làm căn cứ xử lý nghiêm các đối tượng này theo quy định của pháp luật".

Cơ quan CA cũng đưa ra khuyến cáo, chiêu trò lừa đảo này đang có dấu hiệu bùng phát mạnh vào dịp giáp Tết, thời điểm thường hay diễn ra các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, tặng quà nhằm kích cầu tiêu dùng. Người dân cần cảnh giác với những đầu số lạ hoặc những tài khoản mạng XH lạ thông báo nhận được phần thường "trên trời rơi xuống", không nên chuyển tiền hoặc làm theo hướng dẫn lĩnh thưởng trên các trang mạng XH, khi chưa xác minh rõ danh tính của các tổ chức thực hiện chương trình khuyến mãi. Khi phát hiện các tài khoản mạng XH nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo cần thông báo ngay cho cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn và diều tra truy bắt các đối tượng lừa đảo.

Link: https://vtv.vn/phap-luat/muon-van-kieu-lua-dao-tren-mang-20220114201121535.htm

 

 

Theo VTV

 

.