Tuần Giáo phát huy tiềm năng dưới tán rừng
Điện Biên TV - Khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả kinh tế các loại cây dưới tán rừng đã và đang mang lại lợi ích kép cả về kinh tế và bảo vệ môi trường rừng. Huyện Tuần Giáo đã tập trung phát huy tiềm năng các loại cây dưới tán rừng, từng bước hình thành các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa ổn định, bền vững.
Rừng thảo quả ở Bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo đã có từ hơn 20 năm về trước. Từ đó đến nay bà con vẫn thu hoạch đều đặn với năng suất 3 tạ quả khô/ha. Với giá thành cao và ít biến động, thị trường tiêu thụ hàng năm ổn định đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người nông dân vùng cao.
Ông Mùa A Cở, bản Ten Hon, xã Tênh Phông, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cây thảo quả để có thu nhập cho gia đình, trung bình mỗi năm thu được 70-80 triệu đồng.”
Xã Tênh Phông có tổng diện tích tự nhiên gần 6.000 ha, nằm trên độ cao từ 1.200m - 1.800m so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển các loại cây dưới tán rừng. Vừa bảo vệ, chăm sóc, khai thác hiệu quả diện tích thảo quả hiện có vừa tiếp tục trồng mới, đến nay diện tích thảo quả đã tăng lên gần 85 ha.
Người dân xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo chăm sóc diện tích cây thảo quả được trồng dưới tán rừng. |
Cùng với cây thảo quả, hiện nay Tênh Phông còn có gần 35 ha cây sa nhân. Không chỉ riêng Tênh Phông, cây sa nhân đã và đang phát triển tại các xã: Tỏa Tình, Ta Ma, Phình Sáng và Rạng Đông, với tổng diện tích khoảng 180 ha, trong đó 65 ha đã cho thu hoạch với mức thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Phạm Hữu Chiến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo: “Về phát triển cây dược liệu dưới tán rừng ở một số địa phương trên địa bàn huyện Tuần Giáo, thời gian qua đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến khảo sát để đầu tư vì khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp. Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, kết hợp với quản lý bảo vệ rừng bền vững.”
Huyện Tuần Giáo hiện có gần 500 ha đất rừng có trồng cây dược liệu tại 1 số xã như: Tỏa Tình, Tênh Phông, Ta Ma, Phình Sáng…với nguồn cây dược liệu phong phú, đa dạng về chủng loại, đặc biệt có không ít loài cây thuốc có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Trong đó, nhiều loài cây quý hiếm như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu…
Hiện nay, các sở, ngành và huyện Tuần Giáo đang phối hợp triển khai thực hiện phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Tuần Giáo theo Quyết định số 1772 ngày 26 tháng 9 năm 2022 của UBND tỉnh với quy mô, diện tích vùng phát triển dược liệu khoảng 3.980 ha ở vùng có độ cao từ 1.000 m trở lên so với mực nước biển. Trong đó, diện tích có rừng trên 1.740 ha, chưa có rừng gần 1.490 ha thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp và 750 ha đất khác… mở ra cơ hội phát triển kinh tế dưới tán rừng, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả, góp phần xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân./.
Việt Hòa/DIENBIENTV.VN