Tháo gỡ khó khăn cho các dự án trồng cây mắc ca
Điện Biên TV - Đặt mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm cây mắc ca trong khu vực Tây Bắc, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chủ động kêu gọi các nhà đầu tư phát triển cây mắc ca, xây dựng nhà máy chế biến mắc ca tại địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư trồng cây mắc ca với quy mô trên 85 nghìn ha, tổng vốn đầu tư hơn 15.500 tỷ đồng. Tuy nhiên khi triển khai trên thực tế, tất cả các dự án mắc ca tại Điện Biên đều gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ.
Thống kê đến hết tháng 7, toàn tỉnh Điện Biên mới đo đạc, quy chủ được hơn 13.250ha (đạt 15% tổng diện tích được tỉnh chấp thuận cho các dự án mắc ca); diện tích đã trồng cây mắc ca là gần 4.000 ha (đạt trên 4,6% diện tích được phê duyệt và đạt 27% diện tích nhà đầu tư cam kết).
Riêng kế hoạch trồng mới mà các nhà đầu tư đã cam kết với tỉnh sẽ trồng mới trong năm 2022 là trên 8.550 ha thì đến thời điểm này mới trồng được hơn 800ha (đạt 10% so với tổng diện tích cam kết).
Nguyên nhân được chỉ ra là do công tác đo đạc, quy chủ gặp khó khăn do đa số diện tích đất trong vùng dự án đang do người dân quản lý, sử dụng canh tác, việc phối hợp giữa nhà đầu tư và chính quyền chưa thực sự hiệu quả.
Ông Vũ Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc cho hay: “Trong quá trình triển khai thực hiện, doanh nghiệp gặp một số khó khăn vướng mắc, trong đó cơ bản là về vấn đề đất đai, khiến việc triển khai dự án mới được 40%. Theo mục tiêu và dự kiến doanh nghiệp chọn theo hướng nhận chuyển nhượng của người dân.”
Hiện, tất cả các dự án mắc ca tại Điện Biên đều gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ. |
Huyện Điện Biên là một trong 7 huyện, thành phố có dự án trồng mắc ca. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 4 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh cấp phép với quy mô trên 15.000 ha. Song hiện tất các các dự án đều chậm tiến độ.
Theo ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên: “Khó khăn lớn nhất trong giải quyết mặt bằng triển khai các dự án mắc ca của huyện đó là tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận tham gia phối hợp với nhà đầu tư đo đạc quy chủ để xác định diện tích đất, thực hiện đền bù để nhà đầu tư có đất để thực hiện dự án.”
Mong muốn nhà đầu tư chủ động khắc phục khó khăn hoàn thiện các thủ tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể, theo ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên: “Với 9 dự án hiện nay, trong năm 2022 - 2023 sẽ phải tập trung đo đạc quy chủ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Vì trong vùng dự án bao gồm có cả đất lâm nghiệp chưa có rừng, tức là bao gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đối với rừng phòng hộ chưa có rừng thì phải giao cho cộng đồng phát triển cây mắc ca theo hình thức liên kết hoặc cho doanh nghiêp thuê. Do đó phải đẩy nahnh tiến độ giao đất có rừng và đất lâm nghiệp chưa có rừng.”
Đề cập vướng mắc trong việc triển khai các dự án mắc ca tại buổi làm việc với các nhà đầu tư do Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án mắc ca tỉnh vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành thành viên Ban chỉ đạo, cụ thể là các sở: Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài nguyên Môi trường chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn về đất cho doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các huyện, thành phố có dự án trồng mắc ca phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tham gia các dự án trồng mắc ca thay vì để nhà đầu tư tự xoay sở khi triển khai tại các địa phương./.
Đào Phương - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN