Ứng dụng nuôi cấy mô - Hướng đi cho nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Ba, 22/03/2022, 13:36 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Điện Biên đã nghiên cứu, làm chủ nhiều quy trình kỹ thuật để đưa vào sản xuất thành công các giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đây hứa hẹn sẽ là một bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp cho nông dân trên địa bàn chủ động được nguồn giống đối với các loại cây trồng có chất lượng cao.

Tại Điện Biên việc ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất giống cây trồng mới bắt đầu thực hiện nhưng đã bước đầu khẳng định được hiệu quả và khả năng thích nghi của một số giống cây với môi trường bên ngoài.

Cúc và đồng tiền là các loài hoa thông dụng, đáp ứng cho nhu cầu của thị trường chơi hoa vào mỗi dịp lễ, Tết và các ngày rằm, mùng 1 (âm lịch) hàng tháng. Mặc dù được thị trường rất ưa chuộng, song hiện nay người trồng hoa vẫn gặp khó khăn về nguồn giống, bên cạnh đó trong quá trình chăm sóc, nuôi trồng, hoa đồng tiền và hoa cúc thường bị nhện hoặc các loại côn trùng gây hại lá và hoa non.

Do đó những năm qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Điện Biên đã nghiên cứu, làm chủ quy trình kỹ thuật để đưa vào sản xuất thành công giống hoa cúc và hoa đồng tiền bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật với nhiều ưu điểm vượt trội.

1
Phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật với nhiều ưu điểm vượt trội đang được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN ứng dụng trong việc sản xuất giống cây trồng.

Bà Trương Thị Thanh Bình, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Điện Biên, cho biết: “Hiện nay, Trung tâm đang áp dụng việc nuôi cấy mô tế bào thực vật, đây là một phương pháp có nhiều ưu điểm vượt trội. Trung tâm cũng chọn một số giống hoa như hoa cúc, hoa đồng tiền bởi rất thông dụng và thị trường cũng rất quan tâm đến các giống hoa này.”

Nuôi cấy mô tế bào thực vật là phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và ngày càng phổ biến giúp sản xuất nhanh và đồng loạt các loại giống cây trồng mà vẫn lưu giữ được hoàn toàn đặc tính của cây gốc, khắc phục nhược điểm của các phương pháp nhân vô tính khác như chiết, ghép hay giâm cành.

Ban đầu sẽ tiến hành lấy mẫu mô, tùy theo chủng loại cây mà có cách lấy mẫu khác nhau, có thể lấy từ chồi, từ hoa. Tiếp theo, mẫu sẽ được nuôi từ 2 - 3 tuần rồi chuyển qua môi trường cho lên cây lên thân, rễ hoàn chỉnh. Khi cây đã ra rễ hoàn chỉnh  thì sẽ được ra huấn luyện làm quen với môi trường bên ngoài.

1
Nuôi cấy mô tế bào thực vật sẽ cho ra cây giống khỏe, có đặc tính giống hệt cây mẹ, hệ số nhân giống cao và chất lượng tốt.

“Ưu điểm vượt trội của phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật là nhân giống với số lượng lớn mang đặc tính tốt giống hệt cây mẹ, hệ số nhân giống cao, đáp ứng nguồn giống quanh năm với chất lượng tốt đồng đều, sạch bệnh, mang đến hiệu quả kinh tế cao.” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Điện Biên cho biết.

Ngoài cúc và đồng tiền, hiện nay Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Điện Biên còn nghiên cứu và thực hành trên một số loại hoa lan như: Hồ điệp, hoàng thảo và sắp tới sẽ là một số loại cây nông nghiệp, cây ăn quả và các loại nấm.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng phát triển tất yếu trong tương lai không xa và ứng dụng nuôi cấy mô sẽ trở nên phổ biến hơn. Điều đó sẽ góp phần làm thay đổi cũng như nâng cao nhận thức cho nông dân về mô hình nuôi trồng hiện đại để ngày càng nhân rộng quy mô và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trước sự tác động bất lợi của thời tiết hoặc các loại sâu bệnh./.

 

 

Lý Quỳnh - Tiến Thế/DIENBIENTV.VN
 

.