Dự kiến giảm thuế 1.000 đồng trên mỗi lít xăng: VCCI đề xuất giảm gấp đôi

Thứ Bảy, 05/03/2022, 09:57 [GMT+7]

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị giảm phí bảo vệ môi trường trên xăng dầu mạnh mẽ và linh hoạt hơn.

Giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Trong nước, giá xăng dầu tiệm cận mức 27.000 đồng/lít. Những bài toán đang được đặt lên bàn cân: Từ giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; Đảm bảo nguồn cung sản xuất trong nước; Tăng cường nhập khẩu…

Mới đây nhất, Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Cụ thể, xăng được đề xuất mức giảm sâu nhất là 1.000 đồng/lít, tức là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 3.000 đồng/lít, thay cho mức hiện hành là 4.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có chung đề xuất với mức giảm là 500 đồng/lít. Thời hạn áp dụng đến hết 31/12 năm nay.

Bộ Tài chính cũng kỳ vọng, Đề án sớm được trình lên Thường vụ Quốc hội, dự kiến là trong khoảng nửa cuối tháng 3 này.

1
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế môi trường 1.00 đồng trên mỗi lít xăng

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nếu đề án có hiệu lực từ 1/4/2022 cho hết năm nay, kết hợp giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định như thời điểm hiện tại trong 9 tháng còn lại, tác động của việc giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,6 - 0,7%. Bên cạnh đó, việc giảm thuế còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, cũng như tiết kiệm chi tiêu cho người dân

Ví dụ với một chiếc xe taxi 4 chỗ, mỗi tháng sẽ tiêu thụ khoảng hơn 300 lít xăng, khi được giảm thuế 1.000 đồng, nghĩa là mỗi đầu xe sẽ tiết kiệm được 300 nghìn đồng mỗi tháng. Một doanh nghiệp có 100 xe nghĩa là tiết kiệm được 30 triệu đồng - một con số cũng không phải là nhỏ.

Giảm mạnh và linh hoạt hơn?

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề xuất, để tạo hiệu ứng lan toả hơn, Bộ Tài chính có thể cân nhắc đến phương án giảm thuế mạnh mẽ và linh hoạt hơn.

Đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp đã trải qua 2 năm khó khăn vì dịch bệnh, trợ lực về thuế, phí lại càng trở nên quan trọng hơn. Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị mức giảm mạnh mẽ hơn: 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu

"Trong bối cảnh xăng dầu tăng cao như vậy thì Việt Nam dự báo được hưởng lợi từ giá dầu thô xuất khẩu tăng. Rồi trong 2 tháng đầu năm, thu ngân sách vừa rồi cũng rất tích cực, cho nên chúng tôi cho rằng tương đối khả thi để giảm phí bảo vệ môi trường trên xăng dầu mạnh mẽ hơn", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, nên tạm dừng thu phí bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít xăng. Vì giá xăng giờ vẫn 27.000 đồng/lít, nếu giảm xuống 26.000 đồng vẫn là quá cao.

1

VCCI kiến nghị giảm phí bảo vệ môi trường trên xăng dầu mạnh mẽ và linh hoạt hơn

Bên cạnh đó, giá xăng dầu luôn biến động theo giá của thị trường thế giới. Do đó, chuyên gia kiến nghị, việc mức giảm thuế bảo vệ môi trường có thể điều chỉnh linh hoạt hơn, không nhất thiết kết thúc vào ngày 31/12.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, mức giảm thuế có thể không áp dụng cứng nhắc trong 8 tháng, từ 1/4 đến hết năm 2022, mà có thể trong thời gian ngắn hơn, có thể từ 3 đến 6 tháng. Cho nên thay vì mức giảm thuế 1.000 đồng/lít với xăng áp dụng 8 tháng, chúng ta có thể cân nhắc giảm mạnh hơn, giảm 2.000 đồng/lít nhưng thời hạn linh hoạt hơn.

Tăng cường nhập khẩu

Bên cạnh giải pháp về thuế phí, việc đảm bảo nguồn cung được coi là yếu tố then chốt để giữ ổn định thị trường xăng dầu. Hiện nay, nguồn cung cấp  trong nước đang đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, chủ yếu từ hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn. Do những khó khăn về tài chính, nên nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hiện chỉ đạt 43% công suất. Tuy vậy, với việc tăng cường nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định, trong tháng 3 cơ bản đáp ứng cung xăng dầu.

Bộ Công Thương cho biết, đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3, tấn xăng dầu trong quý 2 tới.

"Bộ đã họp với các doanh nghiệp đầu mối, giao 10 thương nhân lớn nhất nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước. Để đảm bảo từ quý 2/2022 kể cả nhà máy Nghi Sơn không đáp ứng được thì chúng ta vẫn đảm bảo xăng dầu cho sản xuất và người dân", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết.

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex là đơn vị được Bộ Công Thương giao sản lượng nhập khẩu lớn nhất, chiếm tới gần 1 nửa tổng sản lượng giao cho cả 10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.

"Chúng tôi đã rà soát lại những hợp đồng đã kí kết ngay từ đầu năm, tức là từ trước khi có sự chỉ đạo của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục kí kết những hợp đồng mới, để phù hợp với chỉ tiêu và sản lượng mà Bộ Công Thương đã quy định cho chúng tôi phải nhập khẩu", ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết.

1
Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo các đầu mối tăng cường nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu trong nước

Không chỉ đàm phán nhập khẩu, một số doanh nghiệp đã quyết định chuyển một phần hàng tạm nhập tái xuất của đơn vị sang thành hàng nhập khẩu bán trong nước, đảm bảo nguồn cung ra thị trường. Chính phủ cũng đang xem xét hỗ trợ nguồn vốn để các doanh nghiệp đầu mối tăng lượng nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo nguồn cung trong thời gian tới.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, khâu lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ trục lợi, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lí.

Trên thực tế hàng loạt các cuộc thanh kiểm tra đột xuất được triển khai trên cả nước đến 16.200 đại lý và cửa hàng xăng dầu bán lẻ. Qua đó, nhiều chế tài mạnh đã được thực thi. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân kỳ vọng, với những giải pháp quyết liệt và thực tế, thị trường xăng dầu sẽ được kiểm soát ổn định, tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Link: https://vtv.vn/kinh-te/du-kien-giam-thue-1000-dong-tren-moi-lit-xang-vcci-de-xuat-giam-gap-doi-20220305062548993.htm

 

 

Theo VTV

 

.