Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp

Thứ Sáu, 21/02/2020, 15:48 [GMT+7]
Điện Biên TV - Ngày 21/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
 
Hội nghị đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với chương trình khoa học công nghệ quốc gia với các chương trình đầu tư vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; đặc biệt là việc thu hút các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp.
 
N
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%/năm. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Cùng với đó, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi: Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; các khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%. Nhờ đó, đã nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Đối với công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp, đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm trên 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15%. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí (có 95 doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng) và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.

Năm 2030, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”. Phấn đấu là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành đạt từ 30% trở lên; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Việc áp dụng mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, tăng sản lượng cây trồng và nâng cao giá trị thu nhập.

Các loại máy móc, trang thiết bị trong sản xuất nông nghiệp như: Máy cầy, bừa, máy bơm nước, máy tuốt lúa, máy xay sát; máy sấy, máy nghiền thức ăn chăn nuôi, xe vận chuyển... được bà con nông dân đầu tư và đưa vào sử dụng phù hợp với từng loại cây trồng.

Điểm cầu tỉnh Điện Biên.
Điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Tại tỉnh Điện Biên có trên 2.500 cơ sở chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản với tổng số lao động 5.400 người, trong đó chủ yếu là chế biến nông lâm thủy sản. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh, tác động tích cực đến việc khai thác tiềm năng đất đai ở các địa phương sản xuất nông sản, lâm sản, thủy sản hàng hóa, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống nông dân. 

Một số các doanh nghiệp, HTX đã bước đầu quan tâm xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến góp phần ổn định đầu ra cho nông dân. Hệ thống các cơ sở chế biến, bảo quản trên địa bàn tỉnh, đã hình thành một số cơ sở chế biến, bảo quản có hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ tiên tiến từ khâu sản xuất chế biến, bảo quản.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp trong những năm qua. Thủ tướng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các Bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp, tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa về cơ giới hóa và đẩy mạnh chế biến nhằm đón thời cơ mới của một đất nước nông nghiệp gió mùa có nhiều lợi thế. Bởi vai trò của các doanh nghiệp tư nhân, nhất là HTX có đóng góp rất lớn trong ngành nông nghiệp; đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì, cùng các Bộ ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030, nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp.../.

 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.