Ngành Nông nghiệp Điện Biên một năm vượt khó

Thứ Bảy, 04/01/2020, 16:12 [GMT+7]

Điện Biên TV - Năm 2019, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Song, ngành Nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch.

Trong hàng chục năm qua, chưa bao giờ tỉnh Điện Biên phải đối mặt với tình hình thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi đã làm chết gần 23.400 con, sâu keo mùa thu trên cây ngô, hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của các loại cây trồng…

Trước những khó khăn đó, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo ngành Nông nghiệp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng chống dịch bệnh, chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Đến thời điểm này, cơ bản các chỉ tiêu đều đạt so với kế hoạch.

s
Năm 2019, tỉnh Điện Biên đã thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục triển khai trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với diện tích 189ha. (Ảnh KT)


Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “ Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và đặc biệt là sự chủ động của ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Có thể nói, năm nay vượt qua được khó khăn trong thử thách về điều kiện sản xuất, trong chăn nuôi, trồng trọt thì tổng sản lượng lương thực đã đạt và vượt so với kế hoạch được giao, chúng ta đã đạt được 267 nghìn tấn, tăng hơn 3 nghìn tấn so với năm 2018”.

Điểm nổi bật trong năm 2019 chính là tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục triển khai trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với diện tích 189ha; thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, rau màu và cây ăn quả trên 108ha, xác nhận thêm 6 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nâng tổng số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn lên 19 chuỗi; cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng số vốn trên 688 tỷ đồng.

Các địa phương trong tỉnh đã chủ động nhiều giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, kế hoạch được giao, tạo giá trị hàng hóa cung ứng ra thị trường, ổn định đời sống người dân.

“Để làm được việc đó thì chúng tôi tập trung vào mấy vấn đề: Một là tập trung chỉ đạo nhân dân tận dụng tối đa diện tích có nước để làm lúa 2 vụ, chúng tôi xác định là lúa 2 vụ năm nay vượt nhiều so với kế hoạch tỉnh giao. Thứ hai là đối với sản xuất trên nương, những diện tích mà không có đủ khả năng gieo cấy thì chúng tôi đã chỉ đạo nhân dân chuyển sang trồng cây màu, miễn làm sao cùng trên đơn vị diện tích đều đem lại giá trị kinh tế cho người dân. Chính vì vậy mà sản xuất nông nghiệp của huyện Tủa Chùa trong năm 2019 đều đảm bảo so với kế hoạch được giao.” - Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết.

Đến thời điểm này, các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp đều cơ bản hoàn thành kế hoạch, toàn tỉnh có thêm 8 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới lên 30 xã, số tiêu chí bình quân đạt 11,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, tỷ lệ che phủ rừng vượt chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XIII đề ra trước một năm… Tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2020, trọng tâm là xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, có tính cạnh tranh cao với sự phối hợp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm: "Chúng tôi đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tham vấn về phát triển sản xuất nông nghiệp, trực tiếp là Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp để tham vấn, tư vấn cho tỉnh và nghành phát triển một số lĩnh vực như: Phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với phát triển qui mô hàng hóa, phát triển cây ăn quả có lợi thế, phát triển cây dược liệu ở những vùng có điều kiện và mời gọi thêm các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.”

Kế thừa những thành tựu đã đạt được trong một năm nhiều khó khăn, thách thức, Điện Biên sẽ tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với các chính sách ưu đãi. Hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, đảm bảo đầu ra ổn định cho từng sản phẩm… đóng góp quan trọng vào GDP của tỉnh trong năm 2020./.

 

Anh Thu - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN

 

.