Người dân cần thận trọng
Mường Ảng là huyện có diện tích cà phê nhiều nhất tỉnh tính đến thời điểm hiện tại. Những năm gần đây, do giá cà phê không ổn định khiến nông dân chán nản dẫn đến phá bỏ nhiều diện tích cà phê để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Nhiều diện tích cà phê bị phá bỏ
Ẳng Nưa là một trong những xã có diện tích trồng cà phê lớn nhất và cũng là xã có diện tích cây cà phê bị chặt bỏ nhiều nhất tính đến thời điểm này. Anh Nguyễn Ngọc Hưng ở bản Co Hắm là một trong những hộ đầu tiên ở xã chặt hơn 1ha cà phê để chuyển sang trồng cây ăn quả.
Trước khi phá bỏ diện tích cà phê của gia đình, bản thân anh Hưng cũng rất trăn trở bởi để có được một vườn cà phê phải mất rất nhiều công sức, tiền của và nhiều năm mới cho thu hoạch. Thế nhưng, nhiều năm liên tiếp, nhận thấy kinh tế mà cà phê đem lại không cao khiến anh Hưng quyết định thay thế cà phê.
Anh Hưng cho biết: Năm 2018, cà phê mất mùa, rớt giá. Những năm trước đây giá cà phê tại Mường Ẳng cũng bấp bênh nên gia đình đã chuyển sang trồng chanh leo. Anh Hưng nhận định, đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, đầu ra thuận lợi nên anh có ý tưởng tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh leo.
Diện tích chanh leo được trồng sau khi phá bỏ cà phê của gia đình anh Nguyễn Văn Tâm, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa sắp cho thu hoạch. |
Giống như gia đình anh Hưng, năm 2018, anh Nguyễn Văn Tâm ở bản Co Hắm cũng chuyển đổi 1,6ha cà phê sang trồng cây ăn quả, như: Bưởi da xanh, chanh leo, xoài thái. Anh Tâm chia sẻ: Chặt bỏ cà phê thực sự là quyết định rất khó khăn. Bởi sau nhiều năm làm đủ mọi việc để mưu sinh, năm 2004, gia đình lên Ðiện Biên làm kinh tế và cây cà phê gắn bó với gia đình từ đó đến nay. Thế nhưng, cũng vì giá cà phê liên tục rớt, trong khi đầu tư cho loại cây này cao, hạch toán kinh tế liên tục thua lỗ, nên gia đình phải chặt bỏ để trồng các loại cây khác với hy vọng cho giá trị kinh tế và thu nhập ổn định hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân Mường Ảng chặt bỏ nhiều diện tích cà phê để chuyển sang trồng cây ăn quả là do mấy năm gần đây, giá trị kinh tế cây cà phê mang lại không cao. Ðặc biệt, từ năm 2012 đến nay, giá cà phê liên tục biến động và có xu hướng giảm. Nếu như niên vụ 2015 giá thu mua từ 5.000 - 6.000 đồng/kg quả tươi; niên vụ 2016 giao động từ 6.000 - 10.000 đồng/kg; niên vụ 2017 giá từ 5.000 - 9.000 đồng/kg thì đến năm 2018, giá chỉ từ 4.000 - 6.000 đồng/kg quả tươi.
Dự báo năm 2019, giá cà phê vẫn tiếp tục ở mức thấp. Giá đã thấp, trong khi sản lượng, năng suất cũng không mấy khả quan khiến người trồng cà phê ở Mường Ảng gặp nhiều khó khăn. Niên vụ 2018, năng suất cà phê đạt khoảng 8 tạ/ha, sản lượng cà phê trấu khoảng 2.500 tấn, so với năm 2017 giảm hơn gấp 3 lần (niên vụ 2017 năng suất đạt 23 tạ/ha, sản lượng hơn 7.200 tấn).
Theo thống kê của huyện Mường Ảng, đến thời điểm này, toàn huyện có trên 13ha cà phê bị người dân chặt bỏ hoàn toàn. Trong đó, nhiều nhất là xã Ẳng Nưa với diện tích trên 10ha.
Người dân cần thận trọng
Hiện nay, toàn huyện Mường Ảng có hơn 3.200ha cà phê, tập trung chủ yếu ở các xã: Búng Lao, Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Ẳng Cang, thị trấn Mường Ảng. Nếu tính toán dựa trên số liệu thì con số hơn 13ha cà phê bị chặt phá để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả là không nhiều so với tổng diện tích hơn 3.200ha. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số thống kê được thông qua số liệu người dân báo cáo lên chính quyền. Ngoài ra, còn nhiều gia đình đang trong quá trình chuyển đổi, hoặc trồng xen kẽ đợi cây ăn quả phát triển thì bắt đầu chặt bỏ cà phê.
Ðiều này đặt ra cho chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện là công tác quản lý cũng như việc tìm đầu ra cho sản phẩm giúp người dân yên tâm sản xuất. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trong số hơn 13ha cà phê bị chặt bỏ để chuyển sang trồng cây ăn quả thì chủ yếu là cây chanh leo. Ðến thời điểm này, nhiều diện tích chanh leo sắp đến vụ thu hoạch, tuy nhiên người dân cũng đang tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Trao đổi vấn đề này, ông Kiều Xuân Hoàng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Quan điểm của huyện là khuyến khích các hộ dân chặt bỏ cà phê chuyển sang cây trồng mới khi diện tích cà phê đã già cỗi, năng suất kém. Ðối với những hộ đăng ký chuyển đổi, huyện sẽ hỗ trợ một số điều kiện như: Giống cây trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật... Tuy nhiên, việc đầu ra cho sản phẩm thì huyện đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục, văn bản để liên kết với các công ty thu mua.
Tín hiệu mới nhất là, ngày 7/8 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần NAFOODS Tây Bắc về việc hợp tác phát triển vùng nguyên liệu chanh leo và một số cây ăn quả lợi thế trên địa bàn tỉnh (trong đó có huyện Mường Ảng). Kết quả sau buổi làm việc là một biên bản ghi nhớ về việc Công ty Cổ phần NAFOODS Tây Bắc sẽ hợp tác phát triển 1.000ha cây chanh leo tại 3 huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Ðiện Biên để phát triển sản xuất theo hướng liên kết bền vững.
Tuy nhiên, đã có nhiều bài học nhãn tiền từ việc phá bỏ các cây trồng chủ lực ở địa phương để trồng ồ ạt các loại cây trồng khác mà chưa ký kết ổn định đầu ra của sản phẩm. Hậu quả là: Nông sản thừa, ế, không có đầu ra; bị tư thương ép giá... phải trông chờ vào các chương trình “giải cứu”.
Thiết nghĩ, việc chặt bỏ cà phê chuyển đổi sang cây trồng khác của người dân trên địa bàn huyện Mường Ảng dù mới chỉ ở giai đoạn đầu và chưa đến mức nghiêm trọng như một số địa phương khác trong cả nước, tuy nhiên việc này rất cần chính quyền địa phương ngành chủ quản quan tâm và có giải pháp căn cơ, tránh việc chặt bỏ thì dễ nhưng trồng lại thì khó và mất rất nhiều năm mới cho thu hoạch.
Theo dienbienphu