Điện Biên: Cương quyết đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại

Thứ Bảy, 17/08/2019, 06:59 [GMT+7]
Điện Biên TV - Trong những năm qua, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của các ngành, các cấp, công tác chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần ổn định sản xuất trong nước, đảm bảo an toàn tiêu dùng cho nhân dân. 
 
s
Lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc đang đưa đi tiêu thụ trên địa bàn

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, các cơ sở kinh doanh nằm rải rác ở khắp các địa bàn nên công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại gặp nhiều khó khăn. 

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Điện Biên tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ tại khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu, các tuyến quốc lộ, vận tải hàng hóa từ biên giới vào nội địa, chợ biên giới, chợ trung tâm các huyện, thành phố, kho bãi, nơi phát luồng hàng và các khu vực buôn bán trong nội địa.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi trốn thuế và gian lận thương mại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Vận động, khuyến cáo để người dân cảnh giác, chủ động tố giác các đối tượng hành vi gian lận thương mại với các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật từ đó mà tình hình buôn lậu và gian lận thương mại giảm đáng kể.

s
 Tại điểm bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy 2 container chân gà đông lạnh với tổng trọng lượng 58 tấn.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm 1.693 lượt; phát hiện bắt giữ, xử lý 677 vụ với 712 đối tượng vi phạm pháp luật. Thanh tra, kiểm tra hành chính 1.580 lượt, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 564 vụ, với 566 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 4,4 tỷ đồng.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Điện Biên những tháng cuối năm 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ còn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi hơn.

Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019; kế hoạch phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã ban hành

Quán triệt, triển khai, đầy đủ kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tới các ngành thành viên, UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện;

Các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị trong tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước tới nhân dân các dân tộc, các tổ chức, cá nhân, các đoàn viên, hội viên về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tự giác thực hiện và tố giác các tổ chức, cá nhân sai phạm tới các cơ quan chức năng;

Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Tình hình tội phạm, buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu gian lận thương mại; thậm chí có trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, né tránh hoặc vi phạm pháp luật, có biểu hiện bao che, bảo kê cho hoạt động tội phạm.

Đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ ngành, địa phương trong thời gian tới cần thực hiện nghiêm một số nội dung: Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 và 389 quốc gia về phòng chống tội phạm và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nếu địa phương nào để xảy ra các vụ việc vi phạm lớn thì lãnh đạo chính quyền phải chịu trách nhiệm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình trạng tham nhũng vặt ở các cơ quan, đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thoái hóa, tiếp tay cho tội phạm. Làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư, tố cáo tội phạm; các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng phạm tội đúng người đúng tội; làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại./.

 

 

Tử Long/DIENBIENTV.VN

.