Đề nghị Chính phủ báo cáo sự minh bạch trong cách tính giá điện

Thứ Ba, 21/05/2019, 08:02 [GMT+7]

Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (sáng 20/5), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
 

1
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.


Tuy nhiên, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020, giá thực phẩm có khả năng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm khi ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội.
Ads by AdAsia

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá cao về công tác chỉ đạo và kết quả phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, ổn định sản xuất chăn nuôi. Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn nhiều khó khăn; tình hình dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi. “Ngành thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi trong việc Ủy ban Châu Âu (EC) chưa xem xét rút “thẻ vàng” và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các quốc gia có cùng mặt hàng với Việt Nam”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ.
 
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc đàm phán để được công nhận về các tiêu chuẩn quốc tế, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Trong khi đó, công tác dự báo cung, cầu còn bất cập, dẫn đến sự lo ngại về tình trạng dư thừa phải “giải cứu” một số nông sản tại một số địa phương thời gian qua./.

 
 

 

Theo Thy Hạt/VOV

.