Phần lớn người dân Việt Nam vẫn thích dùng tiền mặt
Mặc dù các kênh thanh toán điện tử đang phát triển mạnh nhưng tại khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế.
Theo báo cáo có tựa đề "Số hóa tiền mặt tại ASEAN-ý nghĩa đối với các nhà quản lý nguồn vốn doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai", do Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố, tiền mặt hiện chiếm hơn 70% các giao dịch tại Philippines và Indonesia và 43% tại Singapore.
Riêng tại Việt Nam, tỉ lệ khách hàng chọn trả tiền mặt khi mua hàng trực tuyến lên tới 90,17%, trong khi tỉ lệ này ở Singapore chỉ là 9,93%, Thái Lan 48,49%...
Tỉ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam cũng thấp nhất, chỉ chiếm 30,8% trong số các nước được thống kê ở báo cáo như: Indonesia 48,86%, Malaysia 85,34%, Singapore 97,93%...
Ví điện tử được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: KT) |
Báo cáo cũng chỉ rõ 4 lý do chính khiến người dân vẫn chuộng sử dụng tiền mặt đó là nhiều người lo ngại quyền riêng tư cũng như tính bảo mật của tài chính cá nhân không đảm bảo; họ cho rằng, tiền mặt vẫn là cách đơn giản nhất; với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thanh toán điện tử sẽ phải tốn thêm một số chi phí…
Số lượng ví điện tử đang phát triển mạnh tại Việt Nam với khoảng 20 ứng dụng ví điện tử là Bankplus, MoMo, Payoo, Ví Việt, Zalo Pay, 123Pay, Bảo Kim... Tổng giá trị các giao dịch thông qua ví điện tử ngày càng tăng. Với định hướng sử dụng các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt để giảm tỉ lệ các giao dịch bằng tiền mặt xuống dưới 10% trong giai đoạn 2016-2020, dịch vụ thanh toán thông qua ví điện tử được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Để thu hẹp khoảng cách về công nghệ số, các ngân hàng đang tăng cường đầu tư nhằm cung cấp thêm nhiều dịch vụ sáng tạo; 64% các tổ chức tài chính tại ASEAN có kế hoạch đầu tư để phát triển và hiện đại hóa hạ tầng thanh toán trong 2 năm tới./.
Theo Chung Thủy/VOV