Nông dân Mường Nhé vượt khó làm giàu
Điện Biên TV - Mường Nhé là huyện miền núi, biên giới xa xôi, khó khăn bậc nhất của tỉnh Điện Biên. Kết cấu hạ tầng chậm phát triển, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, là những trở lực chính trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Vượt qua những khó khăn ấy, nhiều hộ nông dân vẫn nỗ lực vươn lên xây dựng thành công những mô hình kinh tế cho thu nhập bền vững từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng trên năm. Đó là những tấm gương sáng trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi để các cấp hội nông dân tuyên truyền, nhân rộng.
Gia đình ông Lầu A Dế chuyển về định cư tại bản Mường Toong 3, xã Mường Toong từ năm 2008. Nhà cửa tạm bợ, đất đai sản xuất hầu như không có, cuộc sống vô cùng chật vật, khó khăn. Đó là chuyện dễ hiểu đối với những gia đình khi mới di cư từ nơi khác về đây.
Nhưng nay, sau mười năm, gia đình ông đã dựng được căn nhà gỗ trị giá hàng trăm triệu đồng với đầy đủ các vật dụng tiện nghi hiện đại; cùng với mô hình trang trại vườn - ao - chuồng đã được xây dựng quy củ và cho thu nhập đều đặn.
Ông Lầu A Dế, bản Mường Toong 3, xã Mường Toong huyện Mường Nhé mạnh dạn đầu tư đưa giống ngô mới mới vào trồng cho thu hoạch năng suất cao |
Thành quả này có được không chỉ do bản tính chăm chỉ, cần cù mà còn nhờ sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm của người nông dân nhiều năm liền thấm cái khó, cái khổ của nghèo đói. Khi mới lập nghiệp, với diện tích nương ít ỏi một năm làm một vụ lúa may thì chỉ đủ ăn, sau đó ông chuyển sang trồng ngô nhưng thu nhập vẫn bấp bênh.
Không chịu bó tay, sau khi đi tìm hiểu, học hỏi, ông Lầu A Dế quyết định đưa giống ngô Thái Lan CP511 vào trồng. Vụ đầu tiên thắng lớn, ông mạnh dạn vay ngân hàng chính sách 50 triệu đồng mua thêm các mảnh nương liền kề để mở rộng diện tích trồng ngô.
Từ năm 2014 đến nay, trên diện tích 4ha nương, gia đình ông chỉ canh tác cây ngô. Nhờ giống tốt, tuân thủ khung lịch gieo trồng, bón phân chăm sóc đầy đủ nên nương ngô của ông đạt năng suất rất cao; trung bình mỗi ha đạt trên 6 tấn ngô thành phẩm.
Riêng trong vụ ngô năm 2017, gia đình ông thu hoạch được trên 25 tấn ngô khô, xuất bán cho thương lái với giá 5000 đồng/kg, thu về trên 125 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu lãi trên 90 triệu đồng. Có vốn tích lũy ông tiếp tục đầu tư vào mô hình vườn - ao - chuồng, với một ao nuôi cá thương phẩm trên 1000 m2, một ao nuôi cá kết hợp cấy lúa rộng 2000 m2.
Chỉ với cây trồng truyền thống là cây ngô, nhưng ông Dế đã chứng minh có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao nếu mạnh dạn đưa giống mới, năng suất cao, đầu tư phân bón và tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Mô hình kinh tế của ông Dế cũng được Hội Nông dân xã Mường Toong tích cực tuyên truyền cho đông đảo hội viên đến học hỏi. Hiện nay Hội Nông dân xã Mường Toong có 18 chi hội với hơn 740 hội viên, nhưng trong năm 2018 mới chỉ có 5 gia đình đăng ký danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.
Điều này cũng phản ánh đúng thực tế sản xuất khó khăn của bà con nông dân do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn và thiếu cả kinh nghiệm. Bởi vậy trong thời gian qua, Hội Nông dân xã không chỉ tích cực tuyên truyền, nhân rộng các điển hình mà còn đồng hành cùng hội viên trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Các chi hội trực tiếp vận động hội viên nỗ lực phát triển kinh tế; đồng thời hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất cho hội viên nông dân; khuyến khích hội viên chuyển đổi các loại cây trồng trên nương, tăng cường sản xuất dưới ruộng, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp. Trong những năm qua, các gia đình hội viên nông dân đã tham gia trồng được trên 80 ha rừng kinh tế, trong năm 2018 vận động 44 hộ thuộc 9 bản đăng ký trồng thêm gần 50 ha.
Hội Nông dân xã Mường Tong tích cực vận động hội viên mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng chính sách để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh |
Hội Nông dân xã cũng tích cực vận động hội viên mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng chính sách để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện hội Nông dân xã Mường Toong đang quản lý 7 tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều gia đình hội viên đã mua trâu, bò giống, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, dê, gà; đầu tư xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế.
Không riêng gì xã Mường Toong, rõ ràng với địa bàn miền núi, biên giới thì, để đồng bào thay đổi từ tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, theo hướng hàng hóa là một quá trình đầy gian nan. Thực tế cho thấy, nguồn vốn để khởi nghiệp luôn là khó khăn lớn nhất của nhiều hộ gia đình; một số hộ khác lại gặp khó khăn do không biết bắt đầu từ đâu, trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả và phù hợp.
Với chức năng tập hợp, đoàn kết và giúp đỡ hội viên phát triển, trong giai đoạn vừa qua Hội Nông dân huyện Mường Nhé đã có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực hướng về hội viên. Trong đó rõ nét nhất chính là việc thực hiện ủy thác để các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện.
Trong 5 năm qua, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện thành lập được 50 tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức cho trên 1.700 lượt hộ vay, với tổng dư nợ đạt trên 62 tỷ đồng. Song song với tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, Hội Nông dân huyện tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và Trung tâm Dạy nghề của huyện mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, tổ chức tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh cho hội viên nông dân học hỏi áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất - chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Được hỗ trợ về vốn và được chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi thành công từ sản xuất, chăn nuôi theo tập tục cũ, tự cung tự cấp, nhỏ lẻ sang sản xuất theo KH- KT mới, theo hướng hàng hóa. Từ đó có nhiều hộ không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành khá giàu. Đến nay toàn huyện Mường nhé có gần 120 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó có 7 hộ cấp trung ương, hơn 30 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo", Hội Nông dân huyện Mường Nhé xác định: các hộ sản xuất kinh doanh giỏi sẽ là những hạt nhân quan trọng để tuyên truyền, vận động hội viên học tập, vươn lên sản xuất xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Bởi những hộ sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn đóng góp những cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh để các hộ khác học tập, noi theo.
Gia đình hội viên Quàng Văn Phánh ở bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé lâu nay được biết đến với mô hình nuôi cá thương phẩm quy mô lớn. Trước đây, thay vì chỉ độc canh cây ngô trên nương, ông Phánh mạnh dạn vay vốn đào 6 ao nuôi cá, với diện tích gần 1 ha. Vừa làm ông vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm.
Sau nhiều khó khăn, vất vả và cả những thất bại, mô hình nuôi cá thương phẩm của ông cho thu hoạch đều đặn 2 - 3 tấn cá/năm, thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Không tự bằng lòng với thành quả đã đạt được, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Phánh còn đầu tư mở rộng phát triển kinh tế gia đình theo nhiều hướng mới.
Kết quả là vườn cây ăn quả ngót 500 cây với đủ loại cam, vải, bưởi, mít, chuối; trong đó chủ đạo là trên 200 cây cam đã bước sang vụ thứ 2 cho thu hoạch. Trong vụ năm 2017, dù cam mới bói năm đầu nhưng đã cho thu hoạch ngót 1 tấn quả, gia đình ông thu về trên 30 triệu đồng tiền bán cam. Với chất lượng ngon, ngọt nên năm nay dù chưa tới thời điểm thu hoạch nhưng đã có nhiều thương lái đến đặt mua trước.
Quàng Văn Phánh ở bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé đầu tư trồng cây ăn quả bước đầu đã cho thu hoạch với năng suất cao. gia đình ông là một trong những hộ đạt danh hiệu gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương của huyện Mường Nhé. |
Với năng suất cao hơn hẳn năm ngoái, vườn cam chắc chắn sẽ mang về một khoản thu nhập đáng kể cho gia đình ông Phánh. Nhìn vườn cam trải rộng trên triền đồi, với những cây cam lúc lỉu quả này không mấy ai nghĩ là nó được trồng trên đất Mường Nhé. Bởi rất nhiều hộ trước đây được hỗ trợ giống cây ăn quả là cam, chanh, xoài.v.v… nhưng đều trồng không thành công.
Nay ông Phánh đã chứng minh cây cam không những có thể trồng trên đất nương mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, nếu được chăm bón đúng kỹ thuật. Với mô hình kinh tế cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm, gia đình ông Quàng văn Phánh là một trong những hộ đạt danh hiệu gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương của huyện Mường Nhé.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của hội viên Hội Nông dân huyện Mường Nhé còn chiếm gần 70%. Trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn hết sức khó khăn thì, những mô hình phát triển kinh tế của ông Dế, ông Phánh là những điển hình cần được phát huy, nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Để giúp các gia đình hội viên vươn lên xóa đói - giảm nghèo, ngoài nỗ lực của các cấp hội nông dân thì, rất cần sự quan tâm hỗ trợ giống, vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật của các cấp, các ngành. Từ đó giúp bà con nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất biên cương cực Tây của Tổ quốc./.
Chu Linh - Trọng Lâm/DIENBIENTV.VN