Ngành nông nghiệp dễ mất thị trường nếu chậm ứng dụng công nghệ

Thứ Hai, 18/06/2018, 14:27 [GMT+7]

Chậm ứng dụng công nghệ, ngành nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ mất thị trường ngay trên sân nhà khi nông sản các nước tràn vào.
 
Chỉ trong chưa đến nửa năm, nhiều loại nông sản Việt như hồ tiêu, dưa hấu, củ cải trắng, khoai tây, thanh long, dứa... đã lâm vào tình cảnh chờ "giải cứu". Khi tần suất yêu cầu "giải cứu" ngày một tăng lên, sự nhiệt tình của người dân đối với việc "giải cứu" tất bị giảm xuống.
 

1
Hàng loạt nông sản Việt rơi vào cảnh chờ "giải cứu" thời gian qua.


Cần chấm dứt điệp khúc "giải cứu"

Theo đánh giá của giới chuyên gia, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần có giải pháp để chấm dứt điệp khúc "được mùa - mất giá". Hơn nữa, trong bối cảnh nông sản nhập khẩu ngày càng gia tăng, nếu ngành nông nghiệp không chủ động ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh thì rất dễ đánh mất thị trường ngay trên sân nhà.

Thời gian gần đây, khái niệm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh được nhắc đến nhiều tại Việt Nam, là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, với sự kết hợp của nhiều ngành từ công nghệ cơ khí, điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khí tượng, chế biến, bảo quản...

Việc ứng dụng công nghệ cao tại nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đã đem lại hiệu quả về chất lượng sản phẩm, tăng năng suất cũng như khả năng cạnh tranh ngay trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, tỉnh Lâm Đồng không chỉ khẳng định được giá trị nông sản đã có, mà còn mở rộng tạo thêm được những giống nông sản mới đem lại giá trị cao. Ví như trồng dâu tây "treo", dưa lưới Nhật Bản... cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thực tế hiện nay diện tích ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam trong nông nghiệp vẫn còn quá thấp.

"Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nếu các doanh nghiệp không vào cuộc chủ động ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, tăng chất lượng cạnh tranh, để nông sản các nước tràn vào thì có thể đánh mất thị trường ngay trên sân nhà", ông Phạm S nhấn mạnh.

Một ví dụ cụ thể hiện nay, trong khi trái dứa trong nước được bán với giá 1.000 - 3.000 đồng/kg mà vẫn phải vứt bỏ đầy ruộng, thì trái dứa nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) về có giá tới 300.000 đồng/quả, nhiều người vẫn xếp hàng đặt mua...

Cơ chế, chính sách phải thực sự là động lực

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để nông nghiệp công nghệ cao có thể phát triển hơn nữa, rất cần doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những hành động rất cụ thể, quyết liệt hơn nữa để tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp "nhảy" vào đầu tư.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, cơ chế chính sách phải thay đổi để thực sự tạo ra động lực chứ không phải chỉ là chuyện "cơi nới".
 

1
Ông Trương Gia Bình: Thời đại công nghệ 4.0, không có lý gì mà người sản xuất lại không có thông tin về mặt hàng mà họ đang sản xuất. (Ảnh: Vân Anh).


Còn theo ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, trước hết phải có thông tin đầy đủ, cập nhật cho tất cả người dân.

"Thời đại công nghệ 4.0, không có lý gì mà người sản xuất lại không có thông tin về mặt hàng mà họ đang sản xuất. Bên cạnh đó, phải có vai trò của những "đại gia" nông nghiệp để điều tiết những "thương lái quốc gia", ông Trương Gia Bình nói.

"Ngành công nghệ thông tin, phần mềm xa lạ thế mà đến nay chúng ta còn có tên tuổi trên thế giới thì không có lý do gì ngành nông nghiệp có tiềm năng và lao động dồi dào như hiện nay lại không thể làm được" ông Trương Gia Bình cho biết thêm.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, khẳng định được vị thế trong thị trường quốc tế xuất khẩu lên đến hàng tỷ USD. Các mặt hàng như tôm, trái cây, cà phê, điều, gỗ xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

"Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển, đem tới những sản phẩm nông nghiệp chất lượng và xuất khẩu ra các thị trường khác trên thế giới. Quan trọng là chúng ta phối hợp làm sao thực hiện được các chính sách hiệu quả", Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định./.

 

 

Theo VOV

.