Thaco Trường Hải-Con sếu muốn bay cao phải từ văn hóa doanh nghiệp
Sự phát triển của Trường Hải tác động kéo theo sự phát triển của các dự án khác, cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội ở khu vực Chu Lai.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, VOV.VN giới thiệu bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam về cơ duyên Trường Hải và doanh nhân Trần Bá Dương đã đến Quảng Nam.
Khu kinh tế mở Chu Lai từ...không có gì
Khi mới tách tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng (năm 1997) thì ngân sách thu được của Quảng Nam chỉ 130 tỷ đồng, bằng 1/12 so với Thành phố Đà Nẵng. Tất cả đầu mối, cơ sở kinh tế đều nằm trên Đà Nẵng, các doanh nghiệp nhà nước ở lại Đà Nẵng chiếm 99%, còn Quảng Nam chỉ có 1%. Mà 1% ở lại Quảng Nam là doanh nghiệp thủy lợi, sở dĩ phải ở lại Quảng Nam vì thủy lợi chủ yếu tưới nước cho nông nghiệp ở Quảng Nam.
Công ty sản xuất và lắp ráp ô tô tải Chu Lai - Trường Hải (ảnh: KT) |
Lúc đó, Quảng Nam có một doanh nghiệp xây dựng và một doanh nghiệp xây lắp điện vừa lập mới, không có vốn. Bối cảnh cực kỳ khó khăn. Ngày đó Quảng Nam có hai nơi khó nhất, đó là vùng cát ven biển và miền núi phía Tây.
Bấy giờ câu hỏi đặt ra là Quảng Nam làm thế nào để phát triển. Không có vốn, không có công nghệ, không có con người có kỹ thuật làm sao để phát triển. Quảng Nam có gì ngoài những bãi cát trắng mênh mông?. Lợi thế của Quảng Nam là vị trí trung độ, có cảng biển ở hai đầu, sân bay ở hai đầu, hệ thống giao thông xuyên Việt đều đi qua, đất trống còn nhiều, cho nên phải mở cửa và thu hút đầu tư. Mở cửa để có vốn, có công nghệ và có cả con người. Ai có thể đầu tư thì Quảng Nam thu hút.
Ban đầu ý tưởng làm Đặc khu kinh tế Chu Lai, tôi và một số anh em nữa được phân công để chuẩn bị đề án. Lúc ấy cả nước có 17 đề án do các địa phương đề nghị, Chính phủ và Bộ Chính trị quyết định chỉ chọn một đề án để làm trước. Sau khi nghe các địa phương báo cáo, bảo vệ, cuối cùng Chính phủ nhất trí chọn đề án của Quảng Nam.
Đặc khu Kinh tế là phải có hành chính riêng, mà đối với Khu Kinh tế Chu Lai thì Quảng Nam không đề nghị lập hành chính riêng, nên đổi thành Khu kinh tế mở Chu Lai. “Mở” được hiểu là mở tư duy, mở tấm lòng, đặc biệt là mở cơ chế khuyến khích đầu tư, làm thủ tục hành chính nhanh gọn và cả văn hóa ứng xử cũng mở.
Trọng tâm của Khu kinh tế mở Chu Lai là phải có vài khu công nghiệp, một khu thương mại tự do, một sân bay, một số khu du lịch. Nhưng địa phương không có tiền nên không thể làm được mà cần sự đầu tư của doanh nghiệp từ các nơi đến. Vậy doanh nghiệp nào sẽ là đầu đàn của Khu kinh tế mở Chu Lai?
Đi tìm doanh nghiệp đầu tàu
Quảng Nam lúc bấy giờ không có doanh nghiệp tại chỗ đủ mạnh, nên phải tìm một doanh nghiệp về để làm đầu tàu cho khu kinh tế. Mà hồi đó thực ra cũng chưa biết doanh nghiệp nào có thể làm đầu tàu, cũng có những doanh nghiệp đến bảo để làm đầu tàu, nhưng chúng tôi không tin vì khi hỏi cách làm ra sao thì thấy trả lời lúng ta lúng túng.
Trong quá trình tìm kiếm, thì lần đầu tiên tôi gặp ông Trần Bá Dương ở Tam Kỳ, ông Dương lúc bấy giờ cũng nghe có khu kinh tế mở, nên cũng đi tìm hiểu xem sao. Tôi có dự buổi tiếp ông Dương ở Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi chỉ ngồi quan sát cuộc nói chuyện đó, đến cuối buổi, trước khi kết thúc thì ông Nguyễn Xuân Phúc (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay là Thủ tướng Chính phủ) mời tôi có ý kiến.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO (Ảnh: Trithuctre) |
Lúc đó tôi nói tôi có linh cảm là ông Dương sẽ thành công. Tôi nghe ông Dương nói, cách ông Dương trình bày, nhìn tướng mạo của ông ấy, tôi có niềm tin. Không chỉ có linh cảm, mà cũng có cơ sở để tôi tin ông Dương sẽ thành công, đó chính là yếu tố con người. Tôi thấy ông Dương là người có tâm huyết và có trình độ. Sau này qua thực tiễn nhiều năm công việc, tôi còn thấy thêm ở ông Dương là một người có năng lực, ý chí và có cái tình.
Sau lần gặp gỡ đó, tôi có trực tiếp đi vào Đồng Nai để quan sát cơ sở thực tế của ông Dương. Đó không phải là một cơ sở to, nhưng ở Quảng Nam thì chưa có, đặc biệt là tôi nghe cách ông Dương nói, và khi tôi phản biện rồi nghe ông Dương trả lời thì tôi tin. Chứ thực ra lúc đó ông Dương nói có bao nhiêu vốn thì tôi đâu biết. Tôi chỉ tin con người ông Dương.
Và khi bắt đầu thực hiện, anh Nguyễn Ngọc Quang (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam hiện nay, lúc đó là Bí thư huyện Núi Thành) đã tập trung giải tỏa ngay 20 ha cho Trường Hải và đến giờ này sau 14 năm, Trường Hải đã làm được kết quả như thế là rất tốt, rất đáng phấn khởi, bởi vì kết quả đó đã làm được trong điều kiện rất khó khăn, kể cả về cơ chế chính sách.
Trường Hải là đầu tàu để Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển
Hiện nay, Khu KTM Chu Lai đóng góp 70% ngân sách cho tỉnh Quảng Nam, trong số đó chủ yếu là của Trường Hải. Khu KTM và nhất là Trường Hải đã giải quyết được nguồn lao động đáng kể của địa phương, quan trọng hơn nữa, nói rộng ra, là nó đã tác động mạnh mẽ vào tư duy của lãnh đạo và nhân dân theo hướng của tư duy công nghiệp. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng.
Sự phát triển của Trường Hải đã tác động thúc đẩy, kéo theo sự phát triển của các dự án khác, cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội ở khu vực Chu Lai. Với những đóng góp thực tế của Trường Hải cho Quảng Nam, Trường Hải đã trở thành doanh nghiệp đầu tàu của Khu kinh tế mở Chu Lai.
Tôi tin Trường Hải sẽ còn tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa. 20 năm tới là giai đoạn đẩy mạnh mở cửa hội nhập, Trường Hải phải và sẽ nâng cao công nghệ, xuất khẩu sản phẩm để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Quảng Nam, từ Chu Lai ra đến Hội An, toàn bộ phía Đông này sẽ là khu vực phát triển mạnh, tạo bước đi đột biến. Đó không phải là linh cảm, không chỉ là dự báo theo cảm tính và mong muốn chủ quan, mà là câu chuyện có đầy đủ cơ sở khoa học.
Văn hóa doanh nghiệp phải là văn hóa về sự phát triển
Văn hóa lớn nhất trong truyền thống của Việt Nam là yêu nước và chiến đấu anh hùng để giữ nước. Truyền thống ấy phải được gìn giữ và liên tục bồi đắp. Nhưng quan trọng hơn nữa, trong thời kỳ sắp tới, phải hết sức chăm lo cho văn hóa phát triển, nói đúng hơn, đó là văn hóa về sự phát triển.
Trong xu thế chung đó, từng doanh nghiệp phải hết sức quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để theo kịp và vượt lên cùng với sự phát triển của văn hóa đất nước và thời đại. Nói xây dựng văn hóa một cách dễ hiểu chính là tạo cho được những thói quen tốt, tiến bộ, những thói quen giúp cho con người vươn tới không ngừng (chứ không phải là những thói quen lạc hậu và kìm hãm).
Đối với văn hóa của một doanh nghiệp như Trường Hải, theo suy nghĩ ban đầu của tôi, có 5 vấn đề chính cần quan tâm:
Thứ nhất: Văn hóa về sự đổi mới để phát triển, sáng tạo liên tục, từ lãnh đạo đến công nhân, nhằm tạo ra một đội ngũ tâm huyết, có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, khao khát vươn tới. Muốn thành công, phải có sáng tạo. Muốn sáng tạo phải có tư duy độc lập và đam mê công việc. Biết phản biện, luôn phản biện với chính mình với những cái đang có. Phản biện để sáng tạo, tìm ra cái mới. Sáng tạo sẽ giúp Trường Hải tạo ra những sản phẩm ô tô có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế - cái không gì thay thế được đối với một tập đoàn sản xuất ô tô. Chữ tín vẫn luôn luôn là cái quý giá bậc nhất của một doanh nghiệp. Chất lượng tạo nên giá trị sản phẩm và tạo nên chữ tín của của xã hội đối với doanh nghiệp.
Thứ hai: Văn hóa về tư duy mở, biết và muốn lắng nghe. Người dân tộc Tây Nguyên (Ê đê, Ba Na, Gia Rai) có một văn hóa rất hay đó là “Lễ thổi lỗ tai”. Khi đứa bé sinh ra từ 1 đến 3 tháng tuổi thì họ sẽ tổ chức lễ thổi lỗ tai cho đứa bé. Ông già làng sẽ lấy một ống trúc nói vào lỗ tai đứa bé. Ví dụ: nếu là đứa bé gái thì sẽ nói đứa bé lớn lên phải biết nấu rượu cần, nấu cho ngon, để đàn ông nó uống nó say… Còn con trai lớn lên phải biết cầm giáo mác gìn giữ buôn làng…
Đối với một đứa bé mới 1-3 tháng tuổi mà nói vậy thì có ý nghĩa gì đâu? Nhưng thông điệp thật là triết lý. Đồng bào ở đó quan niệm rằng, từ khi thổi lỗ tai, đứa bé mới bắt đầu có tâm hồn, bắt đầu thành người. Họ muốn chuyển đến cho cộng đồng, cho hậu thế một thông điệp rằng, để trở thành người không phải bằng mắt, mũi, chân, tay, miệng, lưỡi mà là lỗ tai. Thông lỗ tai là duy trì và phát triển văn hóa. Phải biết lắng nghe, cầu thị, tìm mọi cách tiếp thu văn hóa của nhân loại để trưởng thành, để nên người khổng lồ.
Thứ ba: Văn hóa ứng xử với cộng đồng, với những con người chung quanh. Điều quan trọng nhất trong văn hóa ứng xử với cộng đồng là tình người, lòng nhân ái. Xã hội ngày nay cái ác và cái xấu xuất hiện nhiều quá nên càng cần chăm lo xây dựng lòng nhân ái. Văn hóa cộng đồng là đặc trưng lớn của văn hóa Việt Nam. Trong văn hóa cộng đồng ấy, cái lõi quan trọng nhất là tình làng, nghĩa xóm, là yêu thương đồng bào, nòi giống. Có những lúc nước mất nhưng làng không mất, sau đó các làng cùng liên kết lại với nhau lấy lại được nước. Trong văn hóa ứng xử, còn có việc ứng xử với môi trường, thực chất cũng là ứng xử với con người, với cộng đồng, vì môi trường là nơi để con người sống.
Nhiều nơi của Tây Nguyên, khi hỏi ở đây làng nào giàu nhất, thì được trả lời làng giàu nhất là làng có bộ cồng chiêng to nhất, đánh vang xa nhất, để cho nhiều làng khác được nghe nhất. Hỏi nhà nào giàu nhất, thì nhà giàu nhất theo quan niệm của đồng bào không phải là nhà có nhiều của cải nhất mà là nhà cho (người khác) được nhiều nhất. Không biết nhà đó có bao nhiêu ché rượu, bao nhiêu con trâu nhưng ai khó khăn trong làng thì nhà đó cho nhiều nhất chính là nhà giàu nhất. Đó là lòng nhân ái trong cộng đồng, con người trân trọng, quý mến và yêu thương nhau. Đó là văn hóa mà tôi nghĩ cần xây dựng và phát triển trong tập đoàn Trường Hải để con người trong đó và cộng đồng chung quanh sống với nhau theo nghĩa cử cao đẹp.
Thứ tư: Là tính trung thực. Con người bây giờ trong xã hội giả dối nhiều quá, ngay cả trong trường học, trong cơ sở văn hóa và chính trị. Trong tập thể, và ngoài xã hội, rất cần xây dựng tính trung thực cho mỗi thành viên. Nó là tính cách quan trọng nhất của con người, luôn cần thiết cho cuộc sống và trong công việc, nó tạo ra chính mình với những giá trị thực.
Văn hóa là cuộc sống, là cách sống của con người. Sống với tư cách con người thì bao giờ cũng là sống cùng. Không có tính trung thực thì xã hội người, cộng đồng người sẽ trở nên đểu giả và đáng sợ. Con người luôn phải lo cảnh giác và đối phó nhau, chẳng còn hạnh phúc. Tôi tin và mong muốn Trường Hải là một tập thể rất văn hóa. Khi ấy Trường Hải sẽ đẹp vô cùng, hơn mọi sự giàu có về kinh tế, mặc dù sự giàu vẫn luôn và rất cần./.
Theo VOV