Phát triển chuỗi sản xuất cá tra bền vững
Trong chuỗi cá tra phải quan tâm đến yếu tố cung – cầu, có kế hoạch từ sản xuất con giống đến vùng nuôi, thu hoạch chế biến...
Hiện nay, cả nước có 5 nghìn ha diện tích nuôi cá tra, với sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn, mỗi năm mang lại kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỉ USD. Tuy nhiên, cá tra hiện nay chủ yếu là cá phi lê có mẫu mã đơn điệu và giá trị gia tăng không cao.
Cá tra qua chế biến |
Nhiều ý kiến tại Hội thảo “Phát triển chuỗi sản xuất cá tra bền vững” diễn ra ở Hà Nội ngày 6/10 cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các doanh nghiệp thời gian qua chỉ chú trọng đến xuất khẩu chứ chưa quan tâm nhiều đến việc gia tăng giá trị các sản phẩm chế biến từ cá tra… Một số doanh nghiệp đã đầu tư vùng nuôi, áp dụng công nghệ sản xuất sản phẩm giá trị cao từ cá tra.
Hội thảo “Phát triển chuỗi sản xuất cá tra bền vững” do Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội cá tra, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ hội chợ “Cá Tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam”.
Ông Võ Văn Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang cho biết, thời gian qua, cá tra xuất khẩu chủ yếu là phi lê, bán thành phẩm nên không quảng bá được thương hiệu cá tra Việt Nam.
Theo ông Phong, việc đầu tư vào các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao góp phần hiệu quả trong quảng bá thương hiệu cá tra đến người tiêu dùng nội địa, vừa mang lại hiệu quả cao trong quảng bá thương hiệu khi xuất khẩu mặt hàng này.
Hội thảo phát triển chuỗi sản xuất cá tra bền vững |
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khuyến cáo, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần chú trọng hơn đến chất lượng cá tra và sản phẩm từ cá tra. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với người nuôi trong chuỗi giá trị để xây dựng thương hiệu.
Khi có thương hiệu, doanh nghiệp mới chủ động được thị trường và không bị chi phối bởi giá cả. Phía người nuôi cũng nên tuân thủ nghiêm ngặt quy định của vùng nuôi theo hướng bền vững, gắn với các chuỗi liên kết, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, hướng đến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ông Luân lưu ý.
Trong chuỗi cá tra phải quan tâm đến yếu tố cung – cầu, có kế hoạch từ sản xuất con giống đến vùng nuôi, thu hoạch chế biến và phải định hướng các phân khúc thị trường để hướng đến sản xuất.
Hiện nay, có những doanh nghiệp lớn có thể làm toàn bộ chuỗi, tuy nhiên đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã, các vùng sản xuất để kiểm soát chất lượng đầu vào của nguyên liệu, đồng thời hỗ trợ người nuôi xây dựng chất lượng qua đó nâng cao giá trị và tổ chức lại sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và cân bằng cung – cầu trên thị trường./.
Theo VOV