Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017

Chủ Nhật, 22/10/2017, 16:03 [GMT+7]

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực, có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước, có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm.
 

1

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, khai mạc vào ngày 23/10 tới là kỳ họp cuối năm, trọng tâm là các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Diễn ra trong bối cảnh thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, các đại biểu sẽ thảo luận những thách thức mới đối với nền kinh tế sau khi vừa đạt được mức tăng trưởng cao trong quý 3 và đang trên đà hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm.

Quý 1 năm nay, mức tăng trưởng GDP của cả nước chỉ đạt 5,1%, là mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua khiến nhiều chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% thì 9 tháng còn lại cần tăng trưởng hơn 7%. Vào thời điểm đó, đây là một thách thức thực sự lớn đối với Chính phủ.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có những động thái tích cực để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, nhất là việc bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh không hợp lý - vốn được coi là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp. Nhờ vậy, từ quý 2, tăng trưởng GDP đã có sự bứt phá mạnh mẽ, tăng 6,28% so với cùng kì năm ngoái và tiếp tục đạt mức tăng cao trong quý 3 là 7,46%. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế cũng như tạo đà tăng trưởng cho quý 4 và cả năm nay.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết ba lĩnh vực chính của nền kinh tế đều có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là đóng góp nổi bật của ngành nông, lâm, ngư nghiệp do quá trình chuyển đổi cơ cấu. Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng trưởng đến 12,8% là mức tăng trưởng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, chuyển đổi cơ cấu trong khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã tạo ra giá trị của sản phẩm nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng lên rất mạnh và giúp đảm bảo ổn định tiêu thụ cho các sản phẩm này. Hiệu quả của nhà nước kiến tạo cũng tạo ra niềm tin trong sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, vừa rồi Diễn đàn kinh doanh thế giới đã nâng hạng cạnh tranh của Việt Nam lên 5 bậc và tăng 20 bậc trong 5 năm gần đây.

Ông Lâm cũng nêu một điểm sáng nữa giúp cho tăng trưởng của nền kinh tế đó là xuất khẩu. Trong 2 tháng 8 - 9, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 19 tỷ USD, góp phần giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng ngoạn mục.

Nếu như trước đây, tăng trưởng kinh tế của nước ta chủ yếu dựa vào tài nguyên khoáng sản thì nay, động lực chính là từ các doanh nghiệp. Do vậy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục chuyên ngành là định hướng đúng đắn được Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua và bước đầu có nhiều chuyển biến.

Cùng với những Nghị quyết chuyên đề quan trọng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Thủ tướng đã ban hành kịp thời Chỉ thị số 20 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tạo niềm tin và sự yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ trong điều hành và quản lý nhà nước và cải cách hành chính.

"Năm vừa rồi, có hẳn một tổ công tác trực tiếp của Thủ tướng đi làm việc với các Bộ, ngành để rà soát lại các văn bản và đã có sự thay đổi của một số văn bản rất quan trọng. Thậm chí có bộ có hàng trăm văn bản phải thay đổi hoặc không còn giá trị nữa", ông Bình cho hay.

Tuy nhiên, theo tính toán của chuyên gia, để đạt tăng trưởng cả năm 6,7% thì trong đó quý 4 phải đạt ít nhất là 7,32%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi mức tăng trưởng như vậy phải cao gấp rưỡi hồi đầu năm và là mức cao nhất trong 6 năm qua. Trong khi đó, những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng qua gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa.

Thêm nữa, vừa qua, lũ lụt xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Đây là thách thức lớn đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị chính phủ rà soát, dự báo hết các khó khăn để đề ra giải pháp khả thi nhất nhằm đạt mục tiêu này.

Theo ông Đỗ Bá Tỵ, nếu để đạt mục tiêu này thì trong quý 4 phải đạt được tăng trưởng 7,4 đến 7,5%. Và để đạt được con số này thì phải cố gắng rất nhiều. Trong khi đó còn tiềm ẩn nhiều khó khăn như bão lụt, thiên tai…

Với rất nhiều nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành trong chỉ đạo điều hành, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực, có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước và đang tiến dần tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm. Song với những thách thức mới đặt ra sau đợt thiên tai lũ lụt vừa qua, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%, từ đó tạo đà cho các năm tiếp theo.

 

Theo VTV

.