Nhiều quốc gia, khu vực tăng giám sát hải sản Việt Nam

Thứ Tư, 25/10/2017, 17:05 [GMT+7]

Liên minh châu Âu và Mỹ đều đã ban hành quy định chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp và gian lận hải sản.

Theo BBC, ngày 23/10, Liên minh châu Âu (EU) đã 'rút thẻ vàng' đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản. Đây được xem là hình thức cảnh cáo chưa đi kèm các biện pháp trừng phạt do EU cho rằng Việt Nam chưa quản lý tốt ngành khai thác hải sản hoặc khai thác thiếu bền vững, bất hợp pháp và không có báo cáo.

Karmenu Vellan, người phụ trách môi trường của EU kêu gọi ngành chức năng Việt Nam gia tăng nỗ lực để EU nhanh chóng đảo ngược quyết định này.
 

1
Các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp và gian lận hải sản được nhiều quốc gia giám sát. (Ảnh minh họa: KT)


EU ban hành quy định IUU nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Khi EU “rút thẻ đỏ” đồng nghĩa với việc cấm các hoạt động xuất khẩu của quốc gia đó vào thị trường của họ.

Còn theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) vừa thông báo tại một buổi hội thảo với các doanh nghiệp hải sản Việt Nam mới đây, từ ngày 1/1/2018, Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng Chương trình giám sát hải sản nhập khẩu (SIMP) vào Mỹ. SIMP sẽ chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) và gian lận hải sản.

Việc Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng SIMP ngay từ đầu năm 2018 đã thu hút sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam, bởi đây là thị trường lớn của hải sản nước ta. Bình quân mỗi năm, xuất khẩu hải sản sang Mỹ đạt khoảng 350-400 triệu USD.

Bà Heather Brandon (NOAA) khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu hải sản sang Mỹ cần thu thập những dữ liệu cần thiết ngay từ bây giờ và chuyển cho nhà nhập khẩu Mỹ. Những dữ liệu bao gồm: Tên và cờ của tàu đánh cá; bằng chứng giấy tờ cho phép đánh cá (giấy phép); mã nhận dạng tàu duy nhất (nếu có); các loại ngư cụ được sử dụng; tên cơ sở nuôi hải sản. Nếu hải sản NK vào Mỹ không có đầy đủ những thông tin trên, sẽ bị từ chối thông quan. Thậm chí kể cả hàng đã được thông quan nhưng NOAA nghi ngờ có gian lận, cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng, các doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu là hải sản nuôi và người nuôi hải sản cũng cần quan tâm, tuân thủ các quy định của SIMP nếu sản xuất hàng bán sang Mỹ. Và xa hơn, SIMP có thể “đụng” tới cả sản phẩm tôm nước lợ đang được nuôi ở Việt Nam, vì tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều có nguồn gốc là hải sản./.

 

Theo VOV

.