Người tiêu dùng vẫn khó phân biệt được thịt heo theo chuẩn GAP
Trên thực tế, người dân không được cung cấp các thông tin cần thiết để thấy được sự khác biệt của sản phẩm theo tiêu chuẩn Global GAP.
Tại hội thảo “Mô hình quản lý chất lượng trang trại theo tiêu chuẩn Global G.A.P” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng nay (10/10), Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union đã trao chứng nhận Global G.A.P cho Công ty cổ phần Anova Farm (thành viên Tập đoàn Anova).
Đại biểu chúc mừng Anova farm đạt chuẩn Global GAP |
Đây là trang trại nuôi heo thịt đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đạt chuẩn Global G.A.P, mở ra cơ hội để thịt heo Việt Nam có thể xuất khẩu trong tương lai.
Chứng nhận Global G.A.P là tiêu chuẩn được Diễn đàn an toàn thực phẩm toàn cầu đưa vào thành tiêu chuẩn để sản xuất nông nghiệp. Hiện châu Á chỉ đóng góp chưa tới 10% số cơ sở được công nhận Global G.A.P. Chứng nhận này chỉ có giá trị trong vòng 1 năm và phải đánh giá lại từng năm.
Các đại biểu tại hội thảo đánh giá: Việc Anova Farm thực hành và đạt chứng nhận Global G.A.P sẽ giúp các sản phẩm của đơn vị này đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Anova Farm đang có 2 trang trại tại tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu, hàng năm cung cấp hơn 60 ngàn con heo thịt và heo sinh sản.
Hội thảo “Mô hình quản lý chất lượng trang trại theo tiêu chuẩn Global G.A.P” |
Trang trại hiện đang ứng dụng các mô hình chăn nuôi và công nghệ hiện đại, áp dụng qui trình kiểm soát nghiêm ngặt bằng phần mềm quản lý, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường, an toàn lao động.
Tiến sỹ Nguyễn Như Pho, Giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Anova cho biết nhờ áp dụng các qui chuẩn hiện đại nên sản lượng cao, vì thế mức giá phân phối ra thị trường không quá chênh lệch với sản phẩm cùng loại bên ngoài. Tuy nhiên, khó khăn là người dân không được cung cấp các thông tin cần thiết để thấy được sự khác biệt của sản phẩm theo tiêu chuẩn Global G.A.P.
Hiện nay, mỗi ngày, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10 ngàn con heo, được đưa về từ 15 tỉnh, thành xung quanh và chỉ có 15% trong số này là đang được nuôi theo chuẩn Viet G.A.P, Global G.A.P./.
Theo VOV