Khai khoáng không còn là chỗ dựa cho nền kinh tế Việt Nam

Thứ Tư, 25/10/2017, 08:26 [GMT+7]

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, khai thác khoáng sản, đặc biệt là dầu thô, không còn là chỗ dựa cho nền kinh tế Việt Nam.
 
Không thể dựa mãi vào dầu thô

Phát biểu tại phiên họp tổ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV ngày 24/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không thể dựa vào khai khoáng và vốn như trước.
 

1
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ


Ông Vương Đình Huệ cho biết, từ năm 2016 đến 2017, Việt Nam bắt đầu đối mặt với thực tế công nghiệp khai khoáng liên tục giảm sâu. Các mặt hàng quan trọng đều sụt giảm là dầu thô và than đá do khó khăn trong khai thác, chi phí lên cao…

Phó Thủ tướng khẳng định trong 2 năm qua Việt Nam bắt đầu đối mặt với thực tiễn là công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, đầu tiên là dầu thô, tiếp đó là than đá.
Với dầu thô, kế hoạch khai thác năm 2017 chỉ là 13,28 triệu tấn, giảm 3 triệu tấn so với năm 2016 và giảm 4,54 triệu tấn so với năm 2015.
Theo tính toán cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%. Theo đó, năm 2017, sản lượng giảm 3 triệu tấn khiến GDP giảm 0,75%.

Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Công nghiệp khai khoáng 9 tháng đầu năm 2017 giảm 8,08%, nên không có việc tăng trưởng dựa vào loại khoáng sản này. Giờ muốn khai thác thêm để tăng trưởng cũng không được vì phải đi tới vùng biển xa và trữ lượng dầu thô giảm.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng ý kiến nói tăng trưởng của Việt Nam dựa vào vốn là chưa đúng. Tín dụng có thể điều hành tăng trưởng 21%, nhưng tùy vào khả năng hấp thụ. 9 tháng đầu năm nay mới đạt 11%, gần tương đương năm ngoái, còn từ nay đến cuối năm Chính phủ điều hành tùy thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Đâu là bệ phóng cho tăng trưởng?

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tăng trưởng của Việt Nam hiện nay phần lớn là dựa vào công nghiệp tăng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tăng trưởng dịch vụ và du lịch đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước, hoàn toàn có thể bù đắp thiếu hụt về khai thác dầu thô.

Trong công nghiệp chế biến chế tạo, Samsung phục hồi sản xuất và tăng trưởng 45% trong quý III đóng góp quan trọng vào tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp của nhiều tỉnh thành cũng tăng. Trong đó, Bắc Ninh tăng 25,1%, Hải Phòng 20,1%, Thái Nguyên 18,1%, hải Dương 11,2%, Đồng Nai 8,3%...

Nếu tình hình tiếp tục diễn ra như vậy thì công nghiệp chế tạo dự kiến đạt tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, xây dựng tăng 9-9,5% do đầu tư hạ tầng đô thị và các dự án FDI. Lĩnh vực dịch vụ cũng bứt phá trong năm 2017, tăng trưởng đồng điều ở các tỉnh. Trong đó bán buôn bán lẻ tăng cao nhất, du lịch quốc tế tăng mỗi tháng thêm 1 triệu khách du lịch.
 

1
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng


Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Riêng du lịch, dịch vụ đóng góp 3,2% điểm tăng trưởng trong tăng trưởng GDP 6,7%, cao hơn xây dựng và hoàn toàn bù đắp được sụt giảm của dầu khí. Thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn tăng 1 triệu tấn dầu thô, vì vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp.

Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng Việt Nam đón hơn 1 triệu khách du lịch quốc tế, ước tính cả năm số du khách quốc tế có thể đạt 13 triệu.

Nông nghiệp cũng tăng trưởng ấn tượng, 9 tháng đầu năm 2017 tăng 2,78%, gấp 4,3 lần năm 2016. Chính phủ phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt 3-3,05% cả năm. Đóng góp vào tăng trưởng chung của nông nghiệp đã cao gấp 4 lần cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu nông sản năm nay có khả năng đạt 30-34 tỉ USD.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM, cho rằng, dù mức tăng trưởng ấn tượng trong 3 quý đầu năm có đóng góp rất lớn của khu vực nông nghiệp, nhưng nếu quý IV năm nay, tăng trưởng vẫn dựa vào đóng góp của nông nghiệp thì phải cân nhắc bởi thiên tai đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành này./.

 

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

.