"Giấy thông hành" thế hệ mới để doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu

Thứ Tư, 11/10/2017, 14:59 [GMT+7]

Phát triển nhân văn và bao dung là con đường tất yếu, là “giấy thông hành” thế hệ mới cho các doanh nghiệp Việt bước vào nền kinh tế toàn cầu.
 
Phát triển nhân văn và bao dung không còn là sự lựa chọn, mà đó là con đường tất yếu, là lời giải cho sự bế tắc của mô hình phát triển theo chiều rộng, là “giấy thông hành” thế hệ mới cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.

Đó là khẳng định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017 (VCSF).
 

1
Doanh nghiệp Việt đang nỗ lực vươn ra toàn cầu (Ảnh minh họa: KT)


Hành trình “xanh”

Ông Lộc cho biết, doanh nhân Việt Nam đang hướng tới mô hình phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm. Với mô thức phát triển này, sự tăng trưởng của nền kinh tế hôm nay không ảnh hưởng tới mai sau theo kiểu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, trên hành trình phát triển của nền kinh tế toàn cầu và mỗi quốc gia, không thể thiếu dấu chân doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của doanh nghiệp cũng chính cơ sở để tạo dựng một tương lai bền vững.

“Đã qua rồi thời dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ và đánh đổi môi trường. Kinh tế thế giới đang bước vào kỷ nguyên phát triển thông minh và nhân văn, làm giàu bằng cách phụng sự xã hội, bảo toàn thiên nhiên, chăm lo đến người lao động, quan tâm phát triển cộng đồng”, ông Lộc nêu rõ.

TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, là một trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm 17 Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2015, Việt Nam đã cho thế giới thấy tầm nhìn và quyết tâm theo đuổi con đường phát triển xanh vì sự lớn mạnh vững bền trong dài hạn của quốc gia, thay vì phát triển nóng và thiếu đồng bộ…

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình Quốc gia phát triển bền vững, thành lập Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và VCCI đã thành lập Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững quy tụ hàng trăm doanh nghiệp tiên phong làm hạt nhân cho các mô hình kinh doanh bền vững tại Việt Nam.
 

1
TS. Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)


Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã và đang tiếp cận mô thức phát triển theo kiểu phát triển bền vững, tiếp cận các chuẩn mực toàn cầu, đó là tín hiệu đáng phấn khởi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ cũng phải bắt đầu những bước chân kinh doanh đầu tiên của mình theo cách thức bền vững. Chính những đầu tư vào phát triển bền vững là cơ hội thị trường lớn cho các doanh nghiệp và cũng là cơ hội để doanh nghiệp huy động được nguồn vốn đầu tư.

Nắm bắt thời cơ

Tại buổi làm việc với Ban điều hành Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Để phát triển nhanh, các doanh nghiệp cần khuyến khích và chia sẻ những sáng tạo, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, khi cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được thời cơ, tạo ra nhiều công việc để phát triển nhanh hơn.

Phó Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp cần tạo ra việc làm, tạo ra các dịch vụ thu hút lao động, làm năng suất quốc gia, đồng thời tập huấn cho người lao động nắm bắt kỹ năng làm việc tốt để tăng năng suất và tạo được nhiều việc làm để nhiều người cùng tham gia.

Ông Vũ Đức Đam cũng lưu ý, khái niệm phát triển bền vững cũng cần truyền đạt đến cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cần tạo ra nhiều diễn đàn đối thoại theo chủ đề để tháo gỡ vướng mắc, qua đó giúp tăng cường hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
 

1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam


Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng cần tận dụng mọi cơ hội để hưởng lợi từ các hiệp định tự do thương mại với các đối tác lớn, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương và khối ASEAN.

Chủ tịch Hội đồng tư vấn Kinh doanh APEC Hoàng Văn Dũng khuyến nghị tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất cho khu vực siêu nhỏ và nhỏ phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu tiên phát triển sử dụng công nghệ số, Internet để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và sử dụng thành thạo công nghệ mới…

Ông Hoàng Văn Dũng đề xuất xây dựng hệ thống thương mại đa phương, xóa bỏ rào cản thương mại, bảo hộ mậu dịch thương mại tại một số quốc gia. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nhất là vấn đề tài chính, tạo cơ chế và áp dụng khoa học - công nghệ thông tin để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thông tin.

Chủ tịch Hội đồng tư vấn Kinh doanh APEC cũng khẳng định, tự do thương mại mang lại những lợi ích xã hội cực kỳ to lớn. Các hiệp định thương mại góp phần thúc đẩy thương mại trong tương lai, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thế giới.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (UN) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên những thách thức về môi trường, khí hậu hệ quả phát triển đang bao trùm hơn.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam khi ký kết các hiệp định, khuôn khổ hợp tác về phát triển bền vững, xanh, vai trò cốt yếu phải là từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thấy phát triển bền vững là động lực thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công hơn, ông Kamal Malhotra nêu quan điểm./.

 

Theo VOV

.