Hiệu quả thiết thực từ trồng cây Cao su
ĐiệnBiên TV - Những giọt “vàng trắng” không chỉ mang đến niềm vui cho doanh nghiệp mà còn mở ra cơ hội việc làm, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân; góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Sau 10 năm triển khai thực hiện trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên và thực tế cho thấy, cây cao-su được khai thác mủ đã củng cố thêm niềm tin của người dân vào chương trình phát triển loại cây này trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Việc phát triển cây cao-su ở Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc mang ý nghĩa to lớn đối với an sinh xã hội cho người dân và cây cao su đã đem lại những hiệu quả thiết thực
Toàn tỉnh Điện Biên có gần 5.000 ha cây cao su |
Với diện tích đã trồng hàng ngàn ha tập trung tại huyện Điện Biên, Thành phố Điện Biên Phủ, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà và huyện Tuần Giáo, cho đến nay diện tích trồng cây cao su phats triển tốt và đã khép tán, độ che phủ cũng sẽ tương đương rừng tự nhiên, giúp điều hòa lượng nước mưa và điều hòa khí hậu vùng sự án, tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp gồm nhiều loại động vật đến cư trú. Diện tích trồng cây cao su đã có tác dụng che phủ đất, hạn chế xói mòn rửa trôi, giữ nước cho các sông suối, hồ đập, góp phần hạn chế nguy cơ cháy rừng.
Bên cạnh đó việc phát triển trồng cao su chủ yếu sửa dụng nguồn lao động của địa phương. Công ty cổ phần cao su Điện Biên sử dụng trên 82% người lao động là dân tộc thiểu số tại địa phương. Người lao động tại địa phương khi tham gia vào đội ngũ công nhân được đào tạo kỹ thuật, được tuyên truyền đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước có liên quan; được bồi dưỡng ý thức về trách nhiệm lao động và ý thức đồng hành cùng doanh nghiệp. Vì vậy đã góp phần chuyển đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân từ tự phát, tự cung tự cấp, đốt nương làm rẫy sang hình thức lao động tự giác, kỷ luật và lâu dài.
Thực tế cho thấy trong những năm qua khu vực trồng cao su đã có những thay đổi tốt về mặt xã hội; các thay đổi này một phần do nhà nước hỗ trợ cải thiện điều kiện kinh tế xã hội, một phần đáng kể từ chương trình phát triển cây cao su, trong đó vấn đề nổi bật nhất là giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Dự án phát triển cây cao su cần một lực lượng lao động rất lớn, giai đoạn hiện nay công ty sử dụng bình quân 500 lao động thường xuyên; thời kỳ kinh doanh mỗi lao động nhận khai thác 3 ha cao su thì công ty cần trên 1000 lao động thường xuyên và khoảng 500 lao động thời vụ. Đây được đánh giá là một trong những thành công cơ bản của chương trình phát triển cao su tại tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.
Cùng với phát triển vườn cây, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trong vùng dự án, giúp cải thiện cơ sở hạ tầng ở thôn bản, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xâ dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.
Trồng cây cao su đã đem lại việc làm cho hàng ngàn người dân tộc thiểu số tại địa phương |
Với mục tiêu trồng cây cao su để phát triển kinh tế đã cho thấy hiệu quả kinh tế khả quan. Năng suất mủ cao su dự kiến của dự án là 1,7 tấn/ha/năm. giá trung bình theo dự án xây dựng (50 triệu đồng/ tấn) thì mỗi ha cao su trung cho thu nhập khoảng 85 triệu đồng/ năm, người dân được phân chia 10% tương đương khoảng 8,5 triệu đồng.
Khi hết thời hạn khai thác, vườn cao su thanh lý sẽ cung cấp một khối lượng gỗ lớn ngành công nghiệp chế biến gỗ và phục vụ nhu cầu dân sinh tại địa phương; giá trị mỗi ha cao su khoảng 20-25 triệu đồng/ha. Ngoài ra nếu người dân có đất góp tham gia làm công nhân cho công ty sẽ được hưởng tiền nhân công bình quân khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/ người/ tháng, như vậy người dân địa phương sẽ có thu nhập ổn định, lâu dài và cao hơn so với trồng một số cây trồng khác.
Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết, trong năm 2017, đơn vị sẽ đưa vào khai thác gần 700 ha cây cao su đủ tiêu chuẩn, sản lượng năm đầu tiên khoảng 6 tạ/ha. Số diện tích cây cao su bước vào khai thác do các hộ gia đình tham gia góp đất trồng cao su sẽ được hưởng quyền lợi dựa trên hợp đồng đã ký kết với đơn vị. Theo đó, người dân góp đất sẽ được hưởng lợi nhuận 10% từ lợi nhuận mủ cao su trên diện tích đất góp.
Toàn tỉnh Điện Biên có gần 5.000 ha cây cao su; trong đó, hơn 3.700 ha thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, hơn 1.200 ha thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé
Với việc cây cao su sống tốt, cộng với sản lượng mủ đầu tiên thu được trên đất Điện Biên đã bước đầu khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương và tư duy dám nghĩ, dám làm của những người quyết tâm đưa loài cây này phủ xanh một dải đất kiên cường nhưng còn nhiều gian khó. Hy vọng rằng, cùng với thời gian, cây cao-su sẽ phát huy giá trị “vàng trắng” đích thực, trở thành loại cây trồng chủ lực của nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng cũng như mở ra hướng phát triển cho toàn vùng Tây Bắc.
Hương Trà